Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong tuyên bố của mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tiềm năng của việc chỉnh sửa bộ gene người là giúp nâng cao khả năng điều trị và chữa bệnh, song hiệu quả đầy đủ chỉ có thể có được nếu việc chỉnh sửa gene được thực hiện vì lợi ích của tất cả mọi người, thay vì tạo thêm sự bất bình đẳng về y tế.
Cùng chung quan điểm, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan nhấn mạnh trong bối cảnh nghiên cứu toàn cầu đi sâu tìm hiểu bộ gene của con người, điều quan trọng là phải giảm thiểu rủi ro và tận dụng các cách thức mà khoa học có thể mang lại sức khỏe tốt hơn cho mọi người ở mọi nơi.
Các báo cáo mới của WHO được xây dựng dựa trên kết quả tham vấn toàn cầu và rộng khắp lần đầu tiên về việc chỉnh sửa gene người trong các liệu pháp gene soma, dòng mầm và di truyền. Cuộc tham vấn kéo dài hơn 2 năm, với sự tham gia của hàng trăm người ở các lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhóm bệnh nhân, các nhà lãnh đạo tín ngưỡng và người dân bản địa.
Theo WHO, những lợi ích tiềm năng của việc chỉnh sửa gene người bao gồm chẩn đoán nhanh và chính xác hơn, các phương pháp điều trị có mục tiêu hơn và ngăn ngừa các rối loạn di truyền. Các liệu pháp gene soma - liên quan đến việc chỉnh sửa ADN của bệnh nhân để điều trị hoặc chữa bệnh, đã được vận dụng thành công để ngăn ngừa HIV/AIDS, bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh cơ tim amyloidosis transthyretin. Công nghệ này cũng có thể giúp cải thiện đáng kể việc điều trị nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, rủi ro của công nghệ này là việc chỉnh sửa gene theo liệu pháp gene dòng mầm và di truyền sẽ làm thay đổi gene phôi người và có thể truyền sang các thế hệ sau, làm thay đổi các đặc điểm của thế hệ con cháu sau này.
Báo cáo do uỷ ban chuyên gia gồm 18 thành viên của WHO thực hiện đã đưa ra khuyến nghị về quản lý và giám sát việc chỉnh sửa gene người theo 9 phần riêng biệt, trong đó có hệ thống đăng ký toàn cầu về chỉnh sửa gene người; những nghiên cứu được thực hiện trái phép, không được đăng ký, phi đạo đức hoặc không an toàn; vấn đề sở hữu trí tuệ....
Các khuyến nghị tập trung vào cải tiến hệ thống cần thiết nhằm xây dựng năng lực ở tất cả các quốc gia để đảm bảo việc chỉnh sửa gene người được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả và phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức.
Đối với khuyến nghị xây dựng một hệ thống đăng ký toàn cầu để theo dõi “mọi hình thức điều khiển sự di truyền”, uỷ ban chuyên gia cũng đề xuất một cơ chế phát giác kịp thời, theo đó người dân có thể phản ánh cho WHO nếu họ lo ngại về những nghiên cứu phi đạo đức và không an toàn về chỉnh sửa gene. WHO sau đó có thể yêu cầu chính quyền một nước có biện pháp xử lý. Ủy ban đồng thời kêu gọi WHO bảo đảm rằng tất cả các nghiên cứu chỉnh sửa gene đã được đăng ký trong hệ thống cơ sở dữ liệu phải được một uỷ ban đạo đức xem xét và phê chuẩn mới được tiến hành.
Ủy ban cũng hối thúc chính quyền quốc gia và khu vực đơn giản hóa công tác theo dõi và phát hiện những diễn biến đáng lo ngại trong việc chỉnh sửa bộ gene người bằng cách gắn các từ khóa thống nhất cho các loại nghiên cứu khác nhau.
Theo ủy ban chuyên gia trên, công nghệ chỉnh sửa gene người để điều trị các bệnh hiểm nghèo nên được chia sẻ rộng rãi hơn nhằm giúp các nước nghèo có thể tận dụng được lợi thế từ thành tựu khoa học này. Uỷ ban cố vấn của WHO cũng khuyến cáo tổ chức này nên phối hợp với các đối tác để khuyến khích những nước có bằng sở hữu trí tuệ chia sẻ nhằm giúp tiếp cận một cách công bằng với việc can thiệp chỉnh sửa gene người. Uỷ ban cũng tái khẳng định lập trường của WHO hiện nay là phản đối việc thay đổi bộ mã di truyền ở người để truyền cho các thế hệ tương lai (thông qua chỉnh sửa gene dòng mầm di truyền).
Công nghệ chỉnh sửa gene đã được cách mạng hóa nhờ sự phát triển của các công cụ như công nghệ tinh chỉnh DNA được gọi là CRISPR/Cas9 - công nghệ đã mang về giải Nobel Hóa học cho hai nhà hóa học nữ gồm Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Anne Doudna (Mỹ) hồi năm ngoái.
Công nghệ này có thể làm thay đổi DNA của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác vô cùng cao. Những phát minh như vậy mang lại những lợi ích tiềm năng to lớn cho việc chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa các rối loạn di truyền, song cũng đặt ra nguy cơ kẻ xấu có thể lợi dụng để phục vụ cho những mục đích không an toàn và phi đạo đức.