Kết quả cuộc khảo sát của WHO cho thấy, trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2021, hơn 94% trong số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế, trong đó có các biện pháp can thiệp khẩn cấp cứu sống bệnh nhân.
WHO nhận định hệ thống y tế trên khắp thế giới vẫn đang bị "thử thách" sau hơn một năm đại dịch COVID-19 bùng phát. Gần như tất cả các quốc gia tham gia khảo sát đã báo cáo ít nhất một lần bị gián đoạn dịch vụ và những lần gián đoạn xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, cho thấy tác động của đại dịch đối với hệ thống y tế.
Tuy nhiên, WHO cho biết tình hình đang được cải thiện hơn so với năm 2020 khi các chương trình tiêm chủng và một số dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân bắt đầu "trở lại đúng hướng".
Cũng theo cơ quan trên, tại các quốc gia giàu có, tình trạng gián đoạn cung cấp dịch vụ y tế chủ yếu do các quyết định có chủ ý và mang tính chiến lược nhằm nâng cấp dịch vụ. Trong khi đó, tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tình trạng gián đoạn thường xảy ra ngoài dự tính.
Cuộc khảo sát của WHO đánh giá tổng cộng 63 dịch vụ y tế, trong đó có chăm sóc ban đầu, chăm sóc người bệnh cấp cứu, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, điều trị các bệnh mãn tính như ung thư, các bệnh truyền nhiễm như lao và sốt rét, cũng như sức khỏe tâm thần.