Trung tâm đào tạo sẽ được đặt tại Đại học Quốc phòng Cộng hòa Indonesia (RIDU). Với mục tiêu nâng cao năng lực của Indonesia và các nước châu Á khác trong việc ứng phó nhanh với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, trung tâm đào tạo đa phương sẽ cung cấp các gói đào tạo bổ trợ bao gồm nhiều lĩnh vực, như quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, quản lý y tế và hậu cần, cũng như thực hành các bài tập mô phỏng về tác động y tế, xã hội và kinh tế của các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/11, WHO cho biết đại dịch COVID-19 đã bộc lộ một số lỗ hổng trong năng lực quốc gia, đặc biệt là sự sẵn sàng của nhân sự về chuyên môn và khả năng tiếp cận tất cả các khu vực. Mỗi quốc gia được yêu cầu xây dựng năng lực để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp quốc gia bằng cách tận dụng năng lực của khu vực và tiểu khu vực để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bộ Y tế Indonesia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tiêu chuẩn EMT phù hợp với bối cảnh địa phương cũng như hỗ trợ trao đổi kiến thức với các quốc gia khác để tăng cường năng lực EMT trên toàn cầu.
MoU được ký kết giữa Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto và Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin của Indonesia cùng Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus. Sáng kiến này được hỗ trợ bởi trụ sở chính của WHO, văn phòng khu vực của WHO tại Đông Nam Á và WHO Indonesia.