Theo WHO, thế giới đang dần cạn kiệt các giải pháp ứng phó với các loại siêu vi khuẩn khi số lượng các loại siêu vi khuẩn có khả năng kháng thuốc ngày càng tăng lên, trong khi có số ít các loại thuốc kháng sinh mới được cho ra đời.
WHO cho rằng chính cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 kéo dài trong hơn 1 năm qua khiến thế giới hiểu sâu sắc hơn về những tác động của dịch bệnh không được kiểm soát đối với nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Theo WHO, nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm khống chế dịch bệnh là minh chứng cho thấy những tiến bộ nhanh chóng có thể đạt được khi có đủ nguyện vọng chính trị. Chính những nhận thức từ đại dịch COVID-19 sẽ góp phần thúc đẩy đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống các loại siêu vi khuẩn. WHO nhấn mạnh cần tận dụng những nỗ lực ngay trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 để thúc đẩy hoạt động đầu tư bền vững trong nghiên cứu và phát triển các loại kháng sinh mới và hiệu quả.
Theo người đứng đầu bộ phận kháng thuốc chống vi khẩu của WHO, Haileyesus Getahun, cần có cơ chế toàn cầu để tổng hợp các nguồn quỹ tài trợ để ứng phó với trường hợp kháng thuốc kháng sinh, theo cùng lộ trình của các cơ chế tài trợ cho việc phát triển vaccine COVID-19.
Kháng kháng sinh xảy ra khi siêu vi khuẩn miễn dịch với các loại thuốc hiện có như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc chống nấm, gây ra các vết thương nhỏ và nhiễm trùng thông thường có khả năng gây chết người. Tình trạng kháng thuốc đã tăng lên trong những năm gần đây do việc sử dụng quá liều các loại thuốc nêu trên ở người và cả trong trang trại chăn nuôi.
Được phát minh vào những năm 20 của thế kỷ 20, các loại thuốc kháng sinh đã cứu sống hàng chục triệu người mắc viêm phổi, bệnh lao và viêm màng não. Tuy nhiên, trong vài chục năm qua, vi khuẩn dần biến thể và kháng các loại thuốc sẵn có từng tiêu diệt chúng và chúng được gọi là những "siêu vi khuẩn".
Theo báo cáo công bố cùng ngày, 43 loại thuốc kháng sinh đang được phát triển đều không thể giải quyết vấn đề vi khuẩn kháng thuốc. Trong khi, toàn bộ 82% số kháng sinh đang được cấp phép sử dụng hiện nay đều đã các dẫn xuất của các nhóm kháng sinh hiện có được cải tạo để đối phó với tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, WHO cảnh báo tình trạng kháng thuốc sẽ dần tái diễn. Do đó, WHO nhấn mạnh đến tính cấp thiết phát minh ra phương thức chống vi khuẩn mới.