Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi đầu tư cho chương trình ACT-Accelerator do WHO đứng đầu, nhằm chia sẻ nghiên cứu và phát triển, sản xuất và mua bán trên quy mô toàn cầu nhằm chống dịch. Dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rằng đại dịch sẽ gây thiệt hại 12.000 tỷ USD trong 2 năm, ông kêu gọi các nước đầu tư để cùng tìm giải pháp chung. Chương trình này dự kiến cần 31,3 tỷ USD.
Ông Ghebreyesus khẳng định đầu tư cho chương trình ACT-Accelerator tốn rất ít chi phí so với những phương án khác, trong đó có lựa chọn của một số nước hiện nay là một mình đầu tư vào một trong số hàng chục loại vaccine đang được bào chế. Ông nhấn mạnh: "Bào chế vaccine là công việc lâu dài, phức tạp, nhiều rủi ro và tốn kém".
Liên quan vaccine phòng dịch, phóng viên TTXVN tại Brussels đưa tin ngày 13/8, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã đặt mua 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng đang được tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ phát triển.
Theo thông báo, các cuộc đàm phán sơ bộ đã quyết định mua 200 triệu liều đầu tiên và tiếp sau đó mua một lượng tương đương, theo đó tất cả các quốc gia thành viên EU đều được mua vaccine, đồng thời quyên góp cho các quốc gia thành viên có thu nhập trung bình và thấp hơn. EU cho biết đang "thảo luận chuyên sâu" với các nhà sản xuất khác về những loại vaccine tiềm năng.
Trước đó ngày 31/7, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã đặt 300 triệu liều vaccine tiềm năng khác, đang được công ty Sanofi của Pháp phát triển. EU hiện sử dụng khoảng 2 tỷ euro (2,4 tỷ USD) từ quỹ khẩn cấp để đặt mua vaccine nhằm đảm bảo đủ liều tiêm cho 450 triệu công dân của khối.
Tại Mỹ, một quan chức cấp cao Bộ Y tế, ông Paul Mango cho biết người dân Mỹ sẽ được tiêm vaccine miễn phí, nếu có vaccine được chứng minh hiệu quả. Washington đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 6 dự án vaccine và ký hợp đồng đảm bảo nguồn cung hàng trăm triệu liều nếu vaccine được phê chuẩn. Giám đốc Viện Y tế quốc gia (NIH) Francis Collins nhận định ít nhất 1 trong 6 loại vaccine mà Mỹ đầu tư có thể sẽ được phê chuẩn từ nay tới cuối năm.