Tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng diễn ra trực tuyến trong 2 ngày, ông Ghebreyesus cảm ơn các nước thành viên của WHO đã bày tỏ tinh thần ủng hộ và đoàn kết với tổ chức toàn cầu này. Ông Ghebreyesus cũng hoan nghênh nghị quyết của Liên minh châu Âu (EU) vừa được 194 nước thành viên WHO thông qua, trong đó kêu gọi đánh giá độc lập về biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về các hành động của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo chiến lược nhằm phối hợp các biện pháp đối phó toàn cầu đối với đại dịch”.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus không đề cập đến cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm ngừng tài trợ cho WHO và xem xét rút Mỹ khỏi tổ chức này.
Trong bức thư gửi Tổng Giám đốc WHO, được đăng tải trên tài khoản Twitter ngày 18/5, Tổng thống Trump nhấn mạnh "Nếu WHO không cam kết tiến hành những cải thiện thực chất đáng kể trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ tạm thời đóng băng quỹ viện trợ của Mỹ dành cho WHO trong một thời gian dài và xem xét lại tư cách thành viên của chúng tôi tại tổ chức này".
Trong phản ứng của mình, Chính quyền LB Nga ngày 19/5 chỉ trích cảnh báo của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi WHO khi viện lý do cách thức giải quyết đại dịch của tổ chức này chưa phù hợp. Hãng tin Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: “Có nhiều thời cơ để cải cách tổ chức này… nhưng chúng tôi phản đối việc phá hỏng mọi thứ vì lợi ích chính trị hay địa chính trị của một nước”.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hối thúc một số chính trị gia tại Mỹ dừng đổ lỗi cho những nước khác và hợp tác với cộng đồng quốc tế để cùng đánh bại đại dịch COVID-19.