WHO thiếu gần 17 tỷ USD để đẩy lùi đại dịch COVID-19

Chương trình toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tài trợ cho việc phát triển và điều chế vaccine, các phương pháp chẩn đoán và điều trị COVID-19 vẫn còn thiếu gần một nửa ngân sách cần thiết. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/ BioNTech tại một điểm tiêm chủng ở Petah Tikva, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp về chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó dịch COVID-19 (ACT-A) của WHO ngày 6/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch COVID-19 vẫn sẽ trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" trong hơn 18 tháng tới. Ông nhấn mạnh các quốc gia hiện đang nới lỏng các biện pháp chống dịch đã phần lớn kiểm soát được nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân, bộ xét nghiệm, oxy y tế, đặc biệt là vaccine. Trong khi đó, những nước không đủ nguồn cung đang đối mặt với sự gia tăng số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19. 

ACT-A là cơ chế phối hợp quốc tế, nhằm phát triển, sản xuất, mua và phân phối công cụ chống COVID-19. Các mục tiêu của ACT-A đặt ra bao gồm: cung cấp một cách công bằng ít nhất 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021, tập trung vào các nhóm ưu tiên; cung cấp 245 đợt điều trị và 500 triệu xét nghiệm cho các quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ nay đến giữa năm 2021 bên cạnh việc cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và máy oxy cho các quốc gia có nhu cầu. Để thực hiện mục tiêu của mình, ACT-A ban đầu đặt mục tiêu huy động tỷ USD đề đầu tư vào 3 trụ cột, bao gồm nghiên cứu vaccine (15,9 tỷ USD); điều trị (7,2 tỷ USD), và chẩn đoán (6 tỷ USD) bên cạnh đầu tư cho hoạt động kết nối các hệ thống y tế (9 tỷ USD). Tính tới ngày 25/6, chương trình đã nhận được cam kết đóng góp 17,7 tỷ USD cho giai đoạn 2020-2021, nhưng cần nhận được phần còn lại trị giá 16,8 tỷ USD vào cuối năm nay, sau khi đã điều chỉnh các chi phí kể từ tháng 9/2020.

Tình trạng thiếu ngân sách diễn ra trong bối cảnh khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo về khả năng chống dịch đang ngày một nới rộng khi việc tiếp cận vaccine không đồng đều giữa các nước. Theo ước tính của hãng tin AFP (Pháp), hơn 32,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại những quốc gia được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm thu nhập cao, trung bình 84 liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm trên 100 dân, trong khi con số này ở 29 nước thu nhập thấp nhất là 1 liều/100 dân.

Ngày 6/7, cơ chế tiếp cận công bằng vaccine COVAX do WHO đứng đầu đã chạm mốc phân phối 100 triệu liều vaccine trên 135 lãnh thổ tham gia chương trình này. Tuy nhiên, nhà khoa học Soumya Swaminathan của WHO cho rằng lẽ ra phải đạt con số 300-400 triệu liều vào giai đoạn này. Chương trình dự kiến nhận được số lượng lớn vaccine từ cuối tháng 9 tới đến tháng 1/2022, khi có thêm nhiều loại vaccine được đưa vào cơ chế này, vốn tới nay gần như phụ thuộc hoàn toàn vào AstraZeneca. Chủ tịch hãng dược phẩm Mỹ Pfizer Albert Bourla cho biết công ty đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine COVID-19 cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới.

Phương Oanh (TTXVN)
WHO cảnh báo 'giai đoạn nguy hiểm' của dịch COVID-19 do biến thể Delta
WHO cảnh báo 'giai đoạn nguy hiểm' của dịch COVID-19 do biến thể Delta

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN