Bà Ngozi Okonjo-Iweala sẽ gánh vác trách nhiệm khôi phục lòng tin vào WTO và hình ảnh của tổ chức này đang ngày càng suy yếu, trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những xáo trộn lớn do đại dịch COVID-19.
Khắc phục hậu quả của đại dịch
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19, tân Tổng Giám đốc WTO sẽ phải tập trung vào việc khắc phục các hậu quả về kinh tế và y tế của đại dịch. Bà đã từng bày tỏ quan ngại về chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng trong thời kỳ khủng hoảng do dịch COVID-19, và cho rằng cần hạn chế các hàng rào thương mại cần phải nhằm giúp kinh tế thế giới phục hồi.
Các hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới trong phản ứng chính sách ban đầu của các nước đối với đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. WTO cho biết thương mại toàn cầu ước tính giảm 9,2% trong năm 2020. Tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng được dự báo ở mức 7,2% vào năm 2021, nhưng "còn tùy vào các biện pháp chính sách và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh". Theo WTO sự tái bùng phát dịch kéo theo các lệnh phong tỏa mới có thể làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu từ 2-3 điểm phần trăm, và làm giảm tăng trưởng thương mại hàng hóa 4 điểm phần trăm trong năm 2021. WTO sẽ cần phải có hành động mạnh mẽ và phản ứng nhanh nhạy để đưa thế giới phục hồi đầy đủ và nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Các mục tiêu đóng góp mạnh mẽ hơn vào nỗ lực dập tắt đại dịch của WTO cũng bao gồm đảm bảo việc sản xuất và phân phối vaccine trên toàn thế giới, thúc đẩy lộ trình về các quy định thương mại trong cấp bằng sáng chế để phân phối vaccine nhanh hơn, cải thiện tiếp cận và giá thành vaccine cho nước nghèo, đồng thời chống lại xu hướng chủ nghĩa bảo hộ vốn trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19, tạo đà cho thương mại tự do hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đại dịch COVID-19 đã gây chia rẽ tại WTO, sau khi Ấn Độ và Nam Phi đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và phương pháp điều trị. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của hàng trăm quốc gia, nhưng cũng có nhiều nước không chấp nhận.
Bà Okonjo-Iweala bày tỏ ý muốn giải quyết vấn đề trên một cách nhanh chóng. Nhìn chung, bà hy vọng WTO sẽ đóng một vai trò nhất định trong việc đẩy lùi đại dịch, đặc biệt là bằng hỗ trợ Cơ chế Covax – một chương trình toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn.
Dựa trên 25 năm kinh nghiệm trong vai trò là nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới và Chủ tịch của liên minh vaccine Gavi từ năm 2016, bà Okonjo-Iweala cũng muốn các nước đang phát triển tự sản xuất thêm vaccine để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Một số nhà quan sát đang kỳ vọng rằng với nền tảng hoạt động của mình, bà sẽ có đủ khả năng và kinh nghiệm “chèo lái” WTO vượt qua một trong những cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử nhân loại này.
Bà Okonjo-Iweala khẳng định sẽ thúc đẩy hành động nhằm đạt được các kết quả cụ thể trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kép về kinh tế và y tế toàn cầu.
Thúc đẩy cải cách
Trong nhiều năm qua, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn. Các cuộc đàm phán về trợ cấp bông và đánh bắt cá đang bị ngưng trệ, trong khi cuộc đàm phán về thương mại điện tử (được khởi động vào tháng 1/2019) đang chật vật để có thể khởi động. Tất cả sự chậm trễ này đều có nguy cơ khiến WTO tiếp tục bị mắc kẹt trong các vấn đề cũ của năm qua.
Người tiền nhiệm của bà Okonjo-Iweala, ông Azevedo, cũng chứng kiến tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tăng cao. Mỹ và EU đang thúc giục WTO xem xét lại vị thế của Trung Quốc trong tổ chức này, cáo buộc nước này lợi dụng định danh “nền kinh tế đang phát triển” để tạo ưu thế tăng trưởng.
Ông Azevedo cũng đã không thể ngăn Mỹ đẩy Cơ quan Phúc thẩm của WTO rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Cơ quan gồm bảy thành viên này có nhiệm vụ duy trì, sửa đổi hoặc đảo ngược các phán quyết của ban hội thẩm nhưng đã ngừng hoạt động kể từ tháng 12/2019 vì Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm bất kỳ thẩm phán mới nào.
Khi có những chỉ trích cho rằng vai trò của WTO trong việc giải quyết tranh chấp thương mại đang suy yếu, WTO cần giải quyết tranh chấp theo một cơ chế đa phương. Đặc biệt, WTO cần xây dựng lại uy tín trong hệ thống thương mại đa phương bằng cách tăng khả năng ứng phó với thách thức.
Trong khi đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại, WTO còn cần dự đoán được những cuộc khủng hoảng trong tương lai và thực hiện những thay đổi cần thiết cả về thực chất và về thể chế để thực hiện sứ mệnh của tổ chức này.
Đàm phán cải cách WTO để làm cho tổ chức này phù hợp với mục đích thúc đẩy thương mại trong thế kỷ 21 cũng là một việc cần thiết và khả thi. Trong lịch sử hoạt động của mình, WTO đã đóng một vai trò trung tâm trong việc ổn định nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi, khả năng cập nhật, điều chỉnh quy định của WTO trước những thay đổi về điều kiện thương mại là cách duy nhất để giữ cho tổ chức này phù hợp với nền kinh tế thế giới và thúc đẩy quan hệ thương mại.
Theo giới chuyên gia, đàm phán cải cách WTO cần chú trọng vào 4 trọng tâm gồm đàm phán thương mại điện tử phải dẫn đến một Hiệp định quốc tế sâu rộng, có thể đoán định và có các quy tắc thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng; Hiệp định về công nghệ thông tin cần được cập nhật, bao gồm cả trang thiết bị y tế cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch; đàm phán về Hiệp định hàng hóa môi trường cần được khôi phục và sớm đạt được một hiệp định; Hiệp định về dược phẩm, cung cấp miễn thuế, nên được cập nhật phạm vi bao hàm và Trung Quốc cũng như những nước sản xuất dược phẩm chính nên tham gia với tư cách bên ký kết Hiệp định này và cần bổ sung thiết bị y tế vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của bà Okonjo-Iweala là bổ nhiệm bốn phó giám đốc mới để giúp vực dậy các cơ chế đàm phán của WTO. Bà từng nói rằng một trong những mục tiêu chính của bà là hoàn tất các cuộc đàm phán thương mại về trợ cấp cho nghề cá đã chững lại lâu nay.