Một dịch vụ chia sẻ xe đạp tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đang phát triển bùng nổ ở trong nước và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng ngày càng lớn trong nền kinh tế toàn cầu bằng việc “phủ sóng” những phát kiến mới trên khắp thế giới.
Mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Hồi tháng 3, Ofo và Mobike mở rộng hoạt động sang Singapore, thị trường nước ngoài đầu tiên của hai doanh nghiệp này. Trong chưa đầy nửa năm, những chiếc xe đạp màu cam của Mobike đã xuất hiện ở Manchester và Salford của nước Anh, ở Fukuoka và Sapporo (Nhật Bản), Milan và Florence ở Italy và những nơi khác.
Trong khi đó, những chiếc xe đạp màu vàng của Ofo đang chinh phục các thị trường nước ngoài mới và có thể sẽ xuất hiện ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ vào cuối năm nay.
Theo Phó Chủ tịch và là người phụ trách hoạt động mở rộng ra nước ngoài của Mobike, Chris Martin, điều đó cho thấy không chỉ Trung Quốc có nhu cầu chia sẻ xe đạp mà dịch vụ này có thể có trên toàn thế giới. Ông cho rằng sự kết hợp giữa sáng tạo, khoa học và công nghệ cùng với thiết kế đã khiến Mobike trở nên hấp dẫn ở các thị trường nước ngoài.
Từ châu Âu tới châu Á, Mobike đã có những điều chỉnh cho phù hợp với thị trường, căn cứ vào các quy định cụ thể và thị hiếu của khách hàng. Chẳng hạn, những chiếc xe tại London đều được lắp đèn pha.
Trong khi đó, Didi Chuxing - nhà cung cấp dịch vụ đi chung xe hàng đầu của Trung Quốc - triển khai hoạt động hợp tác tại Đông Nam Á. Cuối tháng 7, hệ thống thanh toán trực tuyến và cung cấp dịch vụ đặt xe hàng đầu khu vực Grab thông báo Didi và SoftBank Group Corp của Nhật Bản sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào Grab.
Người sáng lập và Giám đốc điều hành Didi, Cheng Wei nói, với việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, Didi và Grab tái khẳng định quyết tâm chung trong việc đưa ra các giải pháp mới mang tính địa phương cho những thách thức trong phát triển đô thị trên toàn cầu từ những thị trường phát triển nhanh nhất.
Theo ông Cheng, Didi đã đầu tư vào năm hệ thống vận tải lớn trên thế giới và hy vọng sẽ đưa những thành tựu và kinh nghiệm trong đổi mới sản phẩm và phát triển công nghệ ra các thị trường nước ngoài.
Về kỹ thuật, Mobike đã thành công trong việc gây được ấn tượng với người sử dụng nước ngoài. Sau khi trải nghiệm với một chiếc xe đạp ở Manchester hồi đầu tháng Bảy, cô Helen Pidd, phóng viên của The Guardian chia sẻ, những chiếc xe lốp đặc và không cần phải trả về các điểm trả xe, không cần trả tiền mặt... thực sự hiệu quả, thuận tiện và vui mắt.
“Cơn gió màu cam bạc”, những màu sắc trên chiếc xe, được các chính quyền địa phương chào đón khi mang đến hy vọng cải thiện được môi trường đô thị nhờ khuyến khích được người dân sử dụng các phương tiện thân thiện hơn với môi trường. Họ đang rất cần sự hỗ trợ của Mobike trong phát triển các thành phố thông minh.
Theo Rafael Cuesta, người phụ trách đổi mới giao thông ở khu vực đô thị của Manchester, nhu cầu của Manchester và phát kiến chia sẻ xe của Mobike là sự kết hợp hoàn hảo. Các dự án đang được triển khai ở London và Paris, với các trạm trả xe trên phố, thường khá tốn kém và mất thời gian lắp đặt và bảo dưỡng. Ông Cuesta cho rằng lợi thế mà Mobike có là rất chú trọng đến khách hàng và đưa đến những giải pháp mà trước đó chưa từng xuất hiện trên phạm vi toàn châu Âu.
Một trong những đổi mới khiến ông Cuesta thấy hứng thú và hấp dẫn Manchester trước đề xuất của Mobike là số liệu kỹ lưỡng và chất lượng được thu thập từ những chiếc xe đạp có thể giúp các chính quyền địa phương có thể xây dựng kế hoạch cho việc tạo lập cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và kết cấu giao thông trong dài hạn.
Chuyên gia Gu Dasong về dịch vụ đi chung xe thuộc trường Đại học Đông Nam ở Nanjing cho rằng thêm vào đó, sự mở rộng ra thị trường nước ngoài của các công ty như Didi và Mobike cũng sẽ giúp cho các mô hình kinh doanh liên quan của Trung Quốc được ứng dụng rộng rãi và được ưa chuộng trên toàn cầu trong điều kiện thanh toán trực tuyến phát triển.
Tiềm năng phát triển to lớn
Một dịch vụ chia sẻ xe đạp tại Bắc Kinh. Ảnh: THX/TTXVN |
Nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc bao trùm nhiều lĩnh vực, từ đi chung xe đạp, xe có động cơ, đến chia sẻ không gian sống và không gian làm việc và thậm chí là kiến thức, kỹ năng và lao động.
Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm thông tin quốc gia, khoảng 600 triệu người Trung Quốc, gần một nửa dân số nước này, tham gia vào loại hình chia sẻ trong năm 2016. Giá trị trao đổi của nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc năm ngoái tăng hơn gấp đôi năm trước đó và đạt 3.450 tỷ nhân dân tệ (510 tỷ USD).
Các nhóm tiêu dùng phát triển nhanh ở Trung Quốc không chỉ hỗ trợ sự mở rộng tại nước ngoài của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, những doanh nghiệp coi thị trường to lớn của Trung Quốc như một mỏ vàng.
Ông Ge Hong, Phó Chủ tịch một công ty chia sẻ nhà ở, nói Trung Quốc trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới đối với công ty chia sẻ nhà ở Airbnb, nhấn mạnh gần 1,6 triệu lượt du khách Trung Quốc sử dụng Airbnb trong các chuyến đi nước ngoài trong năm 2016, tăng 142% so với năm 2015.
Giáo sư Chu Dajian, thuộc trường Đại học Tongji ở Thượng Hải, cho rằng với công nghệ Internet tiên tiến, nhất là việc sử dụng rộng rãi thanh toán trực tuyến, với trên 700 triệu “cư dân mạng” và các chính sách tạo thuận lợi đã thu hút vốn đầu tư từ nhiều kênh khác nhau, nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc có thể tăng trưởng bùng nổ.
Việc người tiêu dùng Trung Quốc lựa chọn thanh toán trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ trong tương lai. Đặc điểm nhân khẩu học và bản chất của tiêu dùng ở Trung Quốc đang thay đổi là hai yếu tố chủ chốt khác.
Với môi trường thân thiện ở Trung Quốc, nhiều đổi mới của thế giới trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ có thể khởi phát từ Trung Quốc, thay vì là Thung lũng Silicon. Những đổi mới như vậy đang nối tiếp nhau ra đời mà một trong số đó là Fenda, một ứng dụng chia sẻ kiến thức được tạo ra năm 2015, cho phép người dùng trả tiền để nghe câu trả lời từ các chuyên gia cho những câu hỏi mà họ đặt ra.
Ông Cheng cho biết sự phát triển của Trung Quốc đòi hỏi những đổi mới và những giải pháp sáng tạo không ngừng, với những yêu cầu kỹ thuật cao hơn những nơi khác trên thế giới, nhấn mạnh các mô hình của Trung Quốc đang được các doanh nghiệp khởi nghiệp ở các nước khác áp dụng.
Ông Cheng thừa nhận Didi sẽ đối mặt với vô vàn các thách thức khi vươn ra toàn cầu, bởi vì không nhiều các công ty Internet của Trung Quốc có kinh nghiệm thành công trong vấn đề này, nhất là các doanh nghiệp thu hút khách hàng từ các kênh trực tuyến đến các cửa hàng.
Theo báo cáo của Trung tâm thông tin quốc gia, kinh tế chia sẻ đóng góp khoảng 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2020, và 20% vào năm 2025, với tăng trưởng hàng năm 40% trong năm năm tới.
Zhang Xinhong, Giám đốc nghiên cứu về kinh tế chia sẻ của trung tâm, tin rằng kinh tế chia sẻ trên toàn cầu cũng như ở Trung Quốc vẫn còn tiềm năng tăng trưởng to lớn và hoặc đang ở giai đoạn khởi đầu hoặc đang chuyển sang giai đoạn tăng trưởng nhanh. Ông Zhang dự báo ngành chế tạo, nông nghiệp, giáo dục và lĩnh vực lương hưu sẽ có quy mô thị trường và tiềm năng phát triển lớn, đi đầu trong làn sóng tiếp theo của kinh tế chia sẻ.