Chỉ thị này được đưa ra ít giờ sau khi báo cáo mới công bố cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Phát biểu tại cuộc họp hằng tuần với các trợ lý tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải hỗ trợ các công ty duy trì việc làm cho nhân viên trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức. Ông dẫn số liệu về số đơn nộp trợ cấp thất nghiệp tại Hàn Quốc bắt đầu gia tăng mạng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, trong tháng Ba, mức chi cho trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên tới mức kỷ lục 898,2 tỷ won (736,4 triệu USD), tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng khoảng 24,8% so với cùng thời điểm, lên tổng cộng 156.000 người.
Tổng thống Moon Jae-in cho rằng có thể hiện mới chỉ là thời điểm nền kinh tế bắt đầu nếm "trái đắng" từ COVID-19. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cần phải hoạch định các biện pháp đặc biệt và không để mất cơ hội. Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, chính phủ sẽ tập trung chính sách cho mục tiêu bảo vệ việc làm. Đây sẽ là nội dung trọng tâm của cuộc họp hội đồng kinh tế khẩn cấp diễn ra trong tuần tới.
* Cũng trong ngày 13/4, phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn hai nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đang lên kế hoạch tái khởi động một số hoạt động sản xuất sau ngày 15/4, để giúp bù đắp những thiệt hại kinh tế do lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần, kể cả khi các biện pháp này kéo dài đến cuối tháng.
Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa áp dụng với hơn 1,3 tỷ dân của Ấn Độ sẽ kết thúc vào nửa đêm 14/4, nhưng chính phủ nước này dự kiến sẽ gia hạn lệnh thêm 2 tuần nữa trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng lên tới 9.152 ca, trong đó có 308 người tử vong tính tới sáng 13/4. Theo một nguồn tin, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ đạo một số bộ xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động của những ngành công nghiệp trọng yếu khi sinh kế của người nghèo đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, Bộ Công thương Ấn Độ cũng đã khuyến nghị tái khởi động một số hoạt động sản xuất trong lĩnh vực ô tô, dệt may, quốc phòng, điện tử và các lĩnh vực khác nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội thông qua các biện pháp giảm số lao động và rút ngắn giờ làm. Bộ Nội vụ và Văn phòng Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các khuyến nghị trên trong tuần này.
Các nguồn tin cũng cho biết các bộ khác sẽ sớm đệ trình kế hoạch cho phép khôi phục hoạt động từng phần trong các lĩnh vực tương ứng, trong bối cảnh nền kinh tế vốn đang giảm tốc của Ấn Độ được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của lệnh phong tỏa. Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 12/4 dự báo kinh tế Ấn Độ chỉ tăng 1,5 - 2,8% trong tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/4).