Xung đột Israel – Hamas có thể đẩy giá dầu lên 150 USD/thùng

Xung đột Israel – Hamas được coi là “sự kiện thiên nga đen” trên thị trường dầu mỏ, có khả năng đẩy giá dầu lên 150 USD/thùng.

Chú thích ảnh
 Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Rafah, Dải Gaza ngày 26/10. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phân tích của đài RT, khả năng này bắt nguồn từ mối lo ngại về những vấn đề trong khu vực, đặc biệt là xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đang diễn ra và có khả năng leo thang, lan rộng.

Nguy cơ là Hamas có thể được phong trào Hezbollah ở Liban hỗ trợ trong cuộc chiến với Israel. Thị trường lo ngại khả năng này vì Iran có thể gây ảnh hưởng với Hezbollah để mở ra mặt trận thứ hai chống Israel, khiến Israel tấn công Iran. Để đáp lại, Iran có thể lựa chọn đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng trên toàn cầu. Hành động này sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu, dẫn đến giá dầu tăng vọt và góp phần gây ra lạm phát do chi phí năng lượng tăng.

Trong thực tế, các thị trường đã biến động tiêu cực do xung đột Israel - Hamas bất ngờ bùng phát, khiến các nhà quan sát thị trường không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận tác động. Mặc dù một số chuyên gia nhận định rằng sự kiện ở Dải Gaza hiện nay có tác động hạn chế đến giá dầu toàn cầu và nền kinh tế nói chung, nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn, thực tế lại phức tạp hơn.

Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, giá dầu ban đầu tăng vọt nhưng sau đó lại giảm xuống vào cuối ngày. Tuy nhiên, tình hình không như vẻ bề ngoài. Cuộc xung đột Israel - Hamas hiện nay không thể đoán trước diễn biến, giống như “sự kiện thiên nga đen” trên thị trường hàng hóa. Đây là một thuật ngữ do ông Nassim Nicholas Taleb đặt ra để mô tả những sự kiện rất khó xảy ra và không lường trước được, có tác động sâu sắc đến thị trường, xã hội.

Sự kiện kiểu này khiến không chỉ các nhà giao dịch mà cả các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mất cảnh giác khi đang đối phó với lạm phát và lãi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt.

Mặc dù Fed gọi đây là sự kiện có tính chất tạm thời, nhưng ngược lại hoàn toàn, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas hiện nay dường như không hề mang tính tạm thời mà đã tràn ra khỏi biên giới. Ví dụ mới nhất là vụ tên lửa rơi xuống thị trấn nghỉ dưỡng Taba của Ai Cập giáp biên giới Israel sáng sớm 27/10.

Nếu tình trạng này leo thang trong khu vực, gián đoạn nguồn cung năng lượng có thể đẩy giá dầu lên mức đáng ngại 150 USD/thùng, gây ra lo ngại về lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế.

Trước đây, chúng ta đã trải qua hỗn loạn về địa chính trị gây ra những làn sóng chấn động trên thị trường dầu mỏ. Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, một chương đầy biến động trong lịch sử xung đột ở Trung Đông, là một ví dụ.

Khi các quốc gia Arab khởi xướng lệnh cấm vận dầu mỏ để phản ứng với cuộc chiến Yom Kippur, giá dầu bắt đầu tăng vọt. Tại các trung tâm giao dịch như New York, giá dầu đã tăng sốc khoảng 300% đến 400%, tùy thuộc vào loại dầu thô và khung thời gian. Thay đổi địa chấn này đã lan rộng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu.

Vào ngày 19/10/1973, ngay sau khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Richard Nixon yêu cầu Quốc hội cung cấp 2,2 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Israel trong Chiến tranh Yom Kippur, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Arab (OAPEC) đã ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ với Mỹ. Lệnh cấm vận đã chấm dứt hoạt động xuất khẩu dầu từ các quốc gia OAPEC sang Mỹ, kích hoạt một loạt đợt cắt giảm sản lượng làm thay đổi đáng kể giá dầu toàn cầu.

Những đợt cắt giảm sản lượng này đã khiến giá tăng gần gấp bốn lần, từ 2,9 USD/thùng trước lệnh cấm vận lên 11,65 USD/thùng vào tháng 1/1974. Vào tháng 3/1974, giữa những bất đồng trong nội bộ OAPEC về thời gian áp dụng lệnh cấm vận, lệnh cấm vận đã chính thức được dỡ bỏ. Tuy nhiên, giá dầu vẫn ở mức cao từ đó.

Giữa biến động trên thị trường năng lượng hiện nay, một câu hỏi quan trọng đã xuất hiện: Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước cuộc khủng hoảng dầu mỏ này, đặc biệt nếu nước này tích cực tham gia vào cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas? Chỉ cần Mỹ dự tính tham gia xung đột là có thể sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Phản ứng này có thể là lệnh cấm vận dầu mỏ, không chỉ nhắm vào Mỹ mà còn có khả năng mở rộng khắp Đại Tây Dương để tác động đến cả châu Âu.

Chú thích ảnh
Một giếng dầu tại thị trấn Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, đông bắc Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, eo biển Hormuz giữ vị trí then chốt trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Khoảng 1/6 nguồn cung cấp dầu mỏ và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới được vận chuyển qua eo biển hẹp này. Iran kiểm soát 7 trong số 8 hòn đảo ở khu vực eo biển Hormuz và duy trì hiện diện quân sự trên mỗi hòn đảo. Vị trí chiến lược này cho phép Iran có khả năng làm gián đoạn quá trình vận chuyển dầu - một động thái có thể gây tác động sâu sắc đối với an ninh năng lượng toàn cầu.

Nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa hoặc quá trình vận chuyển dầu qua đây bị gián đoạn đáng kể, cùng với lệnh cấm vận dầu khí Nga, thì giá dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng có thể đạt mức cao chưa từng thấy.

Các yếu tố này báo hiệu khả năng bất ổn trên thị trường năng lượng, trong đó xung đột Israel - Hamas gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh năng lượng ở châu Âu, đặc biệt khi không còn nhiều nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Trong khi Kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR) được lập ra là để đề phòng những trường hợp thị trường eo hẹp, nhưng gần đây, Mỹ lại liên tục xả kho SPR và không có ý định bổ sung kho dự trữ thiết yếu này.

Khi Mỹ xả nguồn dự trữ chiến lược, Trung Quốc lại tích cực lấp đầy kho dự trữ, hưởng lợi từ mua dầu Nga giảm giá. Đồng thời, OPEC+ và Saudi Arabia lại thực hiện cắt giảm sản lượng dầu, khiến nguồn cung dầu thêm thắt chặt.

Trong năm tới, Trung Quốc có thể gây tác động đáng kể lên thị trường dầu toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế này tiếp tục có nhu cầu dầu lớn.

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là ảnh hưởng địa chính trị, các chuyên gia cho rằng sớm hay muộn giá dầu cũng sẽ tăng lên mức 150 USD/thùng khi “sự kiện thiên nga đen” liên quan Israel – Hamas sẽ có những diễn biến khó lường.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguy cơ bạo lực lan rộng sau vụ tên lửa lao xuống thị trấn ở Ai Cập giáp biên giới Israel
Nguy cơ bạo lực lan rộng sau vụ tên lửa lao xuống thị trấn ở Ai Cập giáp biên giới Israel

Truyền thông Ai Cập đưa tin một tên lửa không xác định đã rơi xuống thị trấn nghỉ dưỡng Taba ven Biển Đỏ của Ai Cập, ngay bên kia biên giới Israel, gây thiệt hại cho một bệnh viện và làm ít nhất 6 người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN