Xung đột ở Ukraine khiến sản xuất điện mặt trời lập kỷ lục ở châu Âu

Khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine đã khiến châu Âu đẩy mạnh sản xuất năng lượng mặt trời, đạt sản lượng cao hơn cả những dự báo lạc quan nhất trước xung đột.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Unsplash

Theo trang oilprice.com ngày 27/10, Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo rằng 18 trong số 27 quốc gia ở Liên minh châu Âu (EU) đã lập kỷ lục mới về sản xuất điện mặt trời từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay.

Tất nhiên, chỉ tăng sản xuất năng lượng mặt trời không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này, nhưng đó là một tiến bộ đầy hy vọng, hiệu quả về mặt tài chính cho cả nền kinh tế và khí hậu.

Bản phân tích năm 2022 của công ty năng lượng tái tạo Statkraft (Na Uy) dự báo rằng công suất năng lượng mặt trời của châu Âu sẽ tăng trung bình hàng năm từ 45GW đến 52GW đến năm 2030. Ước tính này cao hơn đáng kể so với ước tính năm 2021. Khi đó, con số dự kiến chỉ là ​​tăng 33GW mỗi năm. Báo cáo tiếp tục dự báo ngành năng lượng mặt trời sẽ bùng nổ, ​​ chiếm gần 80% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050.

Theo phân tích dữ liệu từ tổ chức tư vấn năng lượng Ember, sản xuất năng lượng mặt trời gia tăng mạnh mẽ đã giúp các quốc gia châu Âu tiết kiệm 29 tỷ USD chỉ trong những tháng mùa hè. Báo cáo cho biết nếu không có năng lượng mặt trời, số tiền này sẽ được chi để nhập khẩu khí đốt tự nhiên đang có giá rất đắt.

Giá khí đốt tự nhiên và năng lượng nói chung đã ở mức cao trong bối cảnh châu Âu và phần còn lại của thế giới đang vất vả phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tình hình khó khăn hơn khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, khiến giá cả năng lượng tăng vọt lên mức gây khủng hoảng.

Các chuyên gia đã cảnh báo trong nhiều năm rằng châu Âu phụ thuộc ngày càng nhiều vào khí đốt tự nhiên của Nga để duy trì hoạt động sẽ gây rủi ro cho an ninh năng lượng. Cảnh báo này đã được chứng minh là đúng trong thời gian qua.

Tăng cường sản xuất năng lượng mặt trời không chỉ giúp châu Âu vượt qua mùa đông này mà còn tốt cho tương lai năng lượng không còn phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch Nga. Bà Agathe Demarais, Giám đốc mảng dự báo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit, khẳng định EU sắp chấm dứt phụ thuộc Nga: “Châu Âu đang hướng tới một mùa đông rất khó khăn, có lẽ là hai năm điều chỉnh vất vả với nhiều khó khăn kinh tế. Nhưng sau đó, nguồn năng lượng châu Âu về cơ bản sẽ trở nên độc lập hơn, đa dạng hơn”.

Tuy nhiên, có một số lo ngại rằng châu Âu về cơ bản đang chuyển hướng từ phụ thuộc năng lượng Nga sang phụ thuộc Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ về công nghệ quang điện, đặc biệt là các tấm pin mặt trời.

Điều này được phản ánh trong hiệu quả hoạt động của các công ty quang điện Trung Quốc. Ví dụ, ngày 21/10, tập đoàn Tongwei cho biết doanh thu trong ba quý đầu năm đạt 102,084 tỷ nhân dân tệ, tăng 118,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

EU nhận thức rõ ràng và sâu sắc về mối nguy hiểm khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia nào đó trong sản xuất năng lượng. EU đang cố gắng tách khỏi chuỗi cung ứng quang điện của Trung Quốc, nhưng giá các tấm pin mặt trời Trung Quốc lại quá rẻ, khó có thể bỏ qua.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tập đoàn năng lượng Đức phá hủy tuabin điện gió để khai thác mỏ than
Tập đoàn năng lượng Đức phá hủy tuabin điện gió để khai thác mỏ than

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở Đức đã gây áp lực buộc nhà cung cấp điện địa phương phải phá bỏ một số tuabin gió để nhường chỗ cho việc mở rộng một mỏ than lộ thiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN