Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Nga, Pháp, Mỹ hối thúc ngừng bắn vô điều kiện

Ngoại trưởng các nước Nga, Pháp và Mỹ kêu gọi các bên xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh ngừng bắn ngay lập tức. Nội dung này được nêu rõ trong tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Nga đưa ra ngày 5/10. 

Chú thích ảnh
Nhà cửa bị phá hủy sau vụ phóng rocket và nã pháo của các lực lượng Armenia tại Ganja, Azerbaijan, ngày 4/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tuyên bố chung, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng những người đồng cấp Jean-Yves Le Drian của Pháp và Mike Pompeo của Mỹ lên án tình trạng bạo lực leo thang “nguy hiểm chưa từng xảy ra” trong và xung quanh khu vực Nagorny-Karabakh.

Ba Ngoại trưởng - đại diện cho các nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) - nhấn mạnh các vụ tấn công gần đây bị cáo buộc nhằm vào dân thường, cả khu vực dọc giới tuyến Nagorno-Karabakh cùng với các vùng lãnh thổ của Azerbaijan và Armenia ngoài vùng xung đột này, gây ra mối đe dọa “không thể chấp nhận được” đối với sự ổn định trong khu vực. Nhắc lại tuyên bố chung của lãnh đạo các nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk hôm 1/10 vừa qua, 3 Ngoại trưởng một lần nữa kêu gọi các bên xung đột lập tức ngừng bắn vô điều kiện. 

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, cùng ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan để thảo luận về tình hình tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Thông cáo trên trang mạng của Điện Kremlin cho biết cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến của Armenia. Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại sự cần thiết phải chấm dứt các hành động thù địch tại Nagorny-Karabakh. Trước đó, Thủ tướng Pashinyan tuyên bố Chính phủ Armenia liên tục thảo luận với Nga, đồng thời cho biết Nga luôn nỗ lực đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột này.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian cũng có cuộc điện đàm, nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp giải quyết xung đột tại Nagorny-Karabakh.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Trong cuộc điện đàm, các ngoại trưởng đã thảo luận kỹ tình hình xung đột ở Nagorny-Karabakh, bày tỏ thực sự lo ngại về các hành động thù địch quy mô lớn đang diễn ra và kêu gọi các bên đối địch sớm ngừng bắn hoàn toàn và giảm leo thang căng thẳng".

Các đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động phối hợp hơn nữa phù hợp với tuyên bố chung của Tổng thống các nước Nga, Mỹ và Pháp. Trong một tuyên bố chung do Điện Kremlin công bố ngày 1/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" tình trạng leo thang bạo lực đang diễn ra tại giới tuyến ở Nagorny-Karabakh.

Cũng trong ngày 5/10, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đã có các cuộc thảo luận riêng rẽ với các ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia, trong đó hối thúc các bên đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực Nagorny-Karabakh. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong các cuộc thảo luận trên, ông Biegun bày tỏ lo ngại sâu sắc đối với các báo cáo về tình trạng leo thang quân sự và mở rộng phạm vi hoạt động tại Nagorny-Karabakh.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên và hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo hãng tin AFP (Pháp), đến nay, xung đột đã khiến hơn 40 dân thường ở cả 2 phía thiệt mạng.  

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 5/10 cho biết quân đội nước này đã giải phóng 3 ngôi làng Shikhali Agaly, Saryjaly và Mezre ở khu vực Jabrayil và một số vị trí chiến lược trên đường giới tuyến ở Nagorny-Karabakh. Trong khi đó, người phát ngôn của lãnh đạo khu vực Nagorny-Karabakh, ông Vahram Poghosyan cho biết lực lượng phòng vệ tại khu vực này đã rút quân khỏi một số khu vực trên đường giới tuyến nhằm hạn chế thương vong.

Trong bối cảnh có thông tin rằng thiết bị quân sự của Canada được sử dụng trong cuộc xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne thông báo chính quyền Ottawa tạm dừng cấp phép xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. 

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Champagne cho biết trong khuôn khổ cơ chế kiểm soát xuất khẩu và do chiến sự ở khu vực trên vẫn leo thang, Canada dừng cấp phép xuất khẩu các sản phẩm liên quan sang Thổ Nhĩ Kỳ để có thêm thời gian đánh giá vụ việc. Ông Champagne đã chỉ thị cơ quan chức năng điều tra các cáo buộc mà truyền thông trong nước đưa ra. Ngoại trưởng Canada cũng kêu gọi các bên dừng ngay lập tức hành động chiến sự tại khu vực Nagorny-Karabakh và ngồi vào bàn đàm phán.

Tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Bộ các vấn đề toàn cầu (GAC) đang xem xét thông tin cho rằng các lực lượng của Azerbaijan đang sử dụng máy bay không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, trang bị thiết bị cảm biến L3Harris WESCAM của Canada.

Nguyễn Hằng - Duy Trinh - Hương Giang (TTXVN)
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: NATO kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn
Xung đột tại Nagorny-Karabakh: NATO kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn

Ngày 5/10, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn tại vùng Nagorny-Karabakh trong bối cảnh con số thương vong vì xung đột tại khu vực liên tục tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN