Yemen – miền đất mê hoặc và nhiều hiểu lầm

Mỹ và Anh đang ném bom Yemen với sức mạnh mới nhưng thậm chí còn ít thông tin thực tế hơn về những gì có thể và không thể đạt được, hay những rủi ro với một quốc gia phức tạp và gây nhiều hiểu lầm với phương Tây như vậy.

Chú thích ảnh
Đại sứ quán Anh bị bỏ hoang ở Sana’a. Ảnh: Alamy/Guardian

Trên những ngọn đồi hiểm trở ở ngoại ô thủ đô Yemen có một tòa nhà bê tông kiên cố được bao bọc trong một chiếc lồng màu đỏ gỉ sét: Đại sứ quán Anh.

Khi lên kế hoạch xây dựng công trình vào đầu những năm 2000 - thời điểm bắt đầu "cuộc chiến chống khủng bố" - chính phủ Anh đã đưa ra bản yêu cầu tóm tắt cho các kiến trúc sư về một thiết kế có thể đóng vai trò như một boongke an toàn cao, đồng thời lại mời gọi mọi người “vào uống một tách trà”. Rốt cuộc, đó là một tòa nhà dành cho ngoại giao.

Những lo ngại về an toàn là chính đáng. Đại sứ quán trước đây của London ở Yemen đã bị tấn công vào năm 2000 và các nhà ngoại giao phương Tây nhiều lần trở thành mục tiêu kể từ đó. Nhưng dù có sự cân bằng giữa tinh thần chào đón và sự an toàn thì kết quả vẫn như nhau: trong hai thập kỷ qua, các phái viên của Anh ở Yemen đã bị cô lập và do đó không được cung cấp thông tin đầy đủ. Quan trọng nhất, tòa nhà thể hiện quan điểm rộng rãi của các chính phủ phương Tây ở Yemen rằng vấn đề an ninh là trên hết.

Giờ đây, vào năm 2024, Vương quốc Anh đang trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở Yemen, ném bom phiến quân Houthi trong chiến dịch do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, London và Washington chỉ nắm được thông tin hạn chế về những gì đang xảy ra trên thực địa ở Yemen, họ cũng không có hiểu biết sâu sắc về một quốc gia phức tạp như vậy.

Chú thích ảnh
Bản đồ Yemen trong khu vực. Nguồn: Guardian

Gần như bị nhốt trong các đại sứ quán và tuân theo các quy trình an ninh nghiêm ngặt, các nhà ngoại giao phương Tây trong nhiều năm đã không được tiếp xúc với những du khách khá ít ỏi trên những con đường rải sỏi của thủ đô Sana'a.

Ngay cả khách du lịch cũng có thể đi lại tự do hơn họ. Mặc dù du lịch đại chúng chưa bao giờ phát triển ở Yemen, nhưng một số công ty du lịch đã mời chào những chuyến phiêu lưu độc đáo đến những ngọn núi Haraz xanh tươi, nổi tiếng với những ngôi làng kiên cố bám vào vách đá. Những khách du lịch rủng rỉnh hơn sẽ bay đến đảo Socotra, được mệnh danh là Galápagos của Ấn Độ Dương, nơi có tới 1/3 số thực vật và động vật không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Trong một thời gian dài, Yemen còn khét tiếng bởi nạn “du lịch bắt cóc”, nơi các bộ lạc địa phương thường bắt cóc một nhóm du khách và đòi chuộc họ với điều kiện chính quyền trung ương phải xây dựng một trường học mới hoặc sửa chữa một con đường đổ nát.

Trong khi đó, Sana'a là thiên đường bí mật cho sinh viên Arab, những người đến từ các trung tâm nghiên cứu quen thuộc hơn ở Cairo và Amman để tìm kiếm một nền văn hóa và ngôn ngữ ít bị ảnh hưởng của phương Tây làm loãng đi.

Ở chóp mũi của bán đảo Arab, nơi tiếng Arab được cho là xuất hiện lần đầu tiên, Yemen đã bị cô lập về mặt địa lý, và ngôn ngữ được sử dụng ở đây vẫn mang tính cổ xưa đáng kinh ngạc.

Các sinh viên quốc tế học tiếng Arab thường thuê phòng ở khu phố cổ có tường bao quanh của Sana'a, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, nơi có những tòa nhà tuổi đời hàng thế kỷ được xây bằng bùn và gạch nung đỏ cao tới bảy tầng. Những tòa nhà cao vút, cổ kính này ngày nay vẫn được sử dụng làm nhà riêng. Cư dân của họ vẫn sử dụng giải pháp xa xưa như treo chậu nước trong hốc tường để làm mát bằng luồng không khí chứ không phải bằng điện. Và không giống như hầu hết phần còn lại của Trung Đông, các phòng tắm công cộng vẫn được sử dụng và không có gì lạ khi nhìn thấy những người đàn ông quấn khăn tắm cầm bàn chải đánh răng và dao cạo râu băng qua đường rồi biến mất sau cánh cửa gỗ vào một phòng tắm Hammam.

Chú thích ảnh
Đảo Socotra của Yemen, được ví như Galápagos của Ấn Độ Dương. Ảnh: Guardian

Trong khu chợ, phụ nữ mặc niqab toàn màu đen tương tự như ở Saudi Arabia, hoặc phong cách địa phương hơn với màu đỏ và xanh lá cây nổi bật. Nhiều người đàn ông mặc một chiếc thawb – loại áo choàng dài, màu trắng, kèm chiếc thắt lưng dày với điểm nhấn là cây kiếm jambiya trang trí ở phía trước và giữa, chuôi kiếm được làm bằng sừng.

Có một thời gian, một số phóng viên tự do quốc tế đã có thể sống và làm việc tại đất nước này, thường làm việc cho các tờ báo tiếng Anh, chẳng hạn như Yemen Time.

Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người lãnh đạo đất nước từ năm 1990, bị cáo buộc là tạo ra mối đe dọa từ phiến quân Hồi giáo ở Yemen khi nhận tiền và sự hỗ trợ từ Mỹ và các đồng minh.

Việc đưa tin bằng tiếng Anh (được chính phủ Saleh chấp nhận, đặc biệt khi câu chuyện quốc tế chính vào thời điểm đó là về al-Qaida ở Bán đảo Arab (AQAP), mà một thành viên của tổ chức này, tên Umar Farouk Abdulmutallab, đã cho nổ tung chiếc máy bay đi Detroit vào ngày lễ Giáng sinh năm 2009.

Nhưng trước sự thất vọng của người dân Yemen, đất nước của họ ngày càng đứng trước nguy cơ trở thành “Afghanistan tiếp theo”.

 

Chú thích ảnh
Khu thành cổ Sana'a. Ảnh: Guardian

Phối hợp với chính phủ của ông Saleh, Tổng thống Mỹ khi đó, George W Bush bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu của al-Qaida ở Yemen, một chính sách mà Tổng thống Obama sau đó còn mở rộng hơn nữa, bị cho là khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Thời các Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden, các cuộc tấn công như vậy vẫn tiếp diễn.

Vào đầu những năm 2010, các nhà ngoại giao và tùy viên quân sự Anh thường rời khỏi khu nhà của họ để gặp gỡ các nhân vật công chúng Yemen, được tổ chức trong các phòng khách được trang trí công phu với những vị khách ngồi trên đi văng hàng giờ để trò chuyện và nhai lá khat, một loại chất kích thích tầm trung giữa cà phê và cocaine. Nhưng sau khi Anh cấm khat vào năm 2014, các nhà ngoại giao Anh buộc phải từ bỏ các buổi gặp gỡ như vậy, và càng cô lập mình hơn với cuộc sống của người Yemen.

Trong khi tập trung vào al-Qaida, phương Tây lại không chú ý nhiều đến cuộc nổi dậy cứng rắn của người Houthi, thuộc dòng Hồi giáo Shia đang hoành hành ở miền bắc Yemen. Sau khi Tổng thống Saleh bị lật đổ trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ mùa xuân Arab năm 2011 – và bị thương nặng trong một vụ đánh bom vào dinh thự tổng thống – chính lực lượng Houthi đã lợi dụng cuộc nội chiến sau đó để chiếm thủ đô vào năm 2014.

Một năm sau, Anh và Mỹ sơ tán đại sứ quán ở Saa’na, khiến họ càng trở nên tách biệt hơn với Yemen. Cuộc nội chiến đã buộc nhiều nhà báo và học giả Yemen phải rời đi. Các nhà ngoại giao phương Tây chưa trở lại; Các trường dạy tiếng Arab đã đóng cửa và hoạt động du lịch phần lớn biến mất.

Người La Mã đặt cho Yemen cái tên Arabia Felix, hay “Arab hạnh phúc”, vì nơi đây là nguồn cung cấp mộc dược và trầm hương phong phú, trong khi người Yemen cho rằng Nữ hoàng Sheba trong Kinh thánh thực tế là Nữ hoàng Saba, một vương quốc cổ xưa thời tiền Hồi giáo trong khu vực.

Tuy nhiên, trong thế giới nói tiếng Anh, Yemen là một quốc gia ít được đưa thông tin tích cực. Những người Yemen lớn tuổi sống ở Anh và Mỹ nói rằng, thông thường, ví dụ duy nhất mà mọi người có thể nghĩ ra khi nhắc đến từ “Yemen” là một tập trong serie phim truyền hình “Friends” của Mỹ, khi Chandler Bing vô tình lên máy bay tới đất nước này. Có lẽ các nhà viết kịch bản đã không thể nghĩ ra nơi nào xa xôi và ít được biết đến hơn.

Người Yemen muốn mọi người biết đến đất nước của họ với nền văn hóa hiếu khách, lịch sử và kiến trúc cổ xưa, nền ẩm thực độc đáo, hoặc ít nhất là với con người nơi đây, trong đó có người phụ nữ đoạt giải Nobel hòa bình Tawakkul Karman.

Chú thích ảnh
Những ngôi nhà bám vào vách đá ở vùng núi Haraz. Ảnh: Guardian

Nhà nghiên cứu người Yemen Nadwa al-Dawsari, một thành viên không thường trú tại Viện Trung Đông ở Washington, đã viết rất nhiều về những thất bại trong các chính sách của phương Tây đối với Yemen, mà theo bà, là chỉ được nhìn nhận “qua lăng kính an ninh”.

Sau khi Tổng thống Mỹ Biden đắc cử vào năm 2020, al-Dawsari đã viết rằng chính quyền của ông cần phát triển một chính sách thực sự về Yemen. Bà nói: “Điều này nên bắt đầu bằng việc tìm hiểu động lực cục bộ của cuộc xung đột ở Yemen bằng cách nói chuyện trực tiếp với người Yemen”.

Nhưng bốn năm sau, sau các cuộc tấn công của Houthi vào các tuyến đường vận chuyển, Mỹ và Anh đang ném bom Yemen với sức mạnh mới nhưng thậm chí còn ít thông tin chi tiết hoặc thông tin thực tế hơn về những gì có thể và không thể đạt được, hoặc những rủi ro từ bạo lực.

Trên thực tế, các nhà ngoại giao phương Tây đang đưa ra quyết định sau nhiều năm bị cắt đứt khỏi quang cảnh, hương vị và sự quyến rũ của Yemen.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Nóng trong tuần: Biển Đỏ 'nóng rực' sau các cuộc không kích Houthi của Mỹ; 'Phát súng lệnh' Iowa mở màn bầu cử Mỹ
Nóng trong tuần: Biển Đỏ 'nóng rực' sau các cuộc không kích Houthi của Mỹ; 'Phát súng lệnh' Iowa mở màn bầu cử Mỹ

Tuần qua nổi lên một số sự kiện quốc tế đáng chú ý như Mỹ-Anh dồn dập tấn công Houthi, Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn, bầu cử Mỹ mở màn với cuộc họp kín bang Iowa và các vấn đề toàn cầu được nêu bật trong Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN