Sự kiện có sự tham gia của đại biểu 10 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cùng các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp chuyên chế biến cá tra xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám phát biểu tại hội nghị. |
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thông qua hội nghị lần này và cùng với việc triển khai Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu, sản phẩm cá tra đã đánh giá một cách khách quan, thỏa đáng và đúng mức về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra. Trên cơ sở đó, định hướng những giải pháp phát triển bền vững ngành hàng cá tra - vốn là thế mạnh trong nuôi trồng và chế biến thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long- đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các ngành và địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị định 55/2017/NĐ-CP trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng, hình ảnh, giá trị sản phẩm cá tra để phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo đó, chú ý công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng công bố 2 thủ tục hành chính thay thế và bị thay thế, 2 thủ tục hành chính bị hủy bỏ thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên lĩnh vực thủy sản.
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã giới thiệu Quy chuẩn Việt Nam: QCVN số 02-27:2017/BNNPTNT về sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh cũng như hướng dẫn của Hoa Kỳ về việc thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn. Đây là những thông tin hết sức quý báu đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Đáng chú ý, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) giới thiệu tổng quan về tình hình xuất khẩu sản phẩm cá tra, các rào cản trên thị trường xuất khẩu và giải pháp ứng phó.
Ông Hòe kiến nghị, đối với thị trường Trung Quốc, cần xem xét việc kiểm tra và cấp chứng thư cho tất cả các lô cá tra qua đường tiểu ngạch và biên mậu; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu đường chính ngạch. Mặt khác, rà soát, thông báo rộng rãi, rõ ràng thông tin tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm dịch của phía Trung Quốc…
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 3.100 ha, đạt 62,3% kế hoạch năm và tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2016. Diện tích thu hoạch cá tra khoảng 1.700 ha và sản lượng cá tra nguyên liệu đạt trên 519.000 tấn.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, giá cá tra nguyên liệu tăng cao, đạt từ 25.000 đồng đến 27.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/kg, còn hiện nay ở mức từ 21.500 - 23.000 đồng/kg, người nuôi vẫn có lãi. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 15/6 vừa qua đạt trên 582 triệu USD, tăng 2,7% cùng kỳ 2016.
Để phát triển bền vững ngành hàng cá tra xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo thực hiện tốt các giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường; đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất, đặc biệt trong công đoạn ươm dưỡng con giống; xã hội hóa công tác chọn tạo giống cá tra bố mẹ.
Các địa phương có vùng nuôi cá tra tập trung cần chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giám sát chất lượng nguyên liệu cá tra cũng như kiểm soát vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Mặt khác, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm cá tra để tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Đặc biệt, chú trọng xây dựng thương hiệu cho dòng sản phẩm phi lê cá tra chất lượng cao. Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn dài hạn, lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp…