Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,3%, xuống 28.044,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,5%, xuống 3.510,96 điểm. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Australia giảm gần 2%, còn các thị trường Singapore, Wellington và Jakarta đều giảm hơn 1%.
Các thị trường khởi đầu tuần mạnh mẽ, nhưng các nhà giao dịch đã bán ra vào đầu phiên này, sau khi các chỉ số chứng khoán Mỹ đi xuống, với các giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ Apple, Amazon và Facebook đều mất hơn 1%.
Sự chú ý lại quay trở lại với tác động của sự phục hồi kinh tế trong năm nay đến lạm phát, khi nhiều người cảnh báo điều này có thể buộc các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), rút lại các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, trong đó có thể có việc tăng lãi suất, dù các quan chức ngân hàng nhiều lần nhắc lại cam kết sẽ chưa hành động trong thời gian tới.
Các nhà giao dịch sẽ đánh giá biên bản cuộc họp tháng Tư của Fed được công bố trong ngày, với hy vọng các nhà chức trách ngân hàng này sẽ đưa ra quan điểm trước việc giá cả tăng.
Theo nhà phân tích Edward Moya thuộc OANDA, điều căn bản trong vấn đề lạm phát là liệu lương đã tăng trưởng đủ mạnh khi thị trường việc làm tiếp tục phục hồi, với nhu cầu lao động cho những công việc được trả lương thấp, hay chưa. Việc ngân hàng Bank of America thông báo tăng lương tối thiểu lên 25 USD/giờ vào năm 2025 cho thấy nhu cầu thu hút nhân tài có thể duy trì sức ép đối với việc tăng lương. Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng tăng trưởng lương mạnh hơn trong mùa Hè, Fed sẽ vẫn cho rằng lạm phát là tạm thời.
Trước khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố, các thị trường chứng khoán chịu thêm sức ép bán ra do những lo ngại về số ca mắc COVID-19 mới ở một số nước.
Tại thị trường chứng khoán trong nước, chỉ số VN-Index tăng 9,81 điểm (0,78%), lên 1.262,49 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,61 điểm (0,21%), lên 295,25 điểm.