Các thị trường Tokyo, Shanghai, Sydney, Seoul, Taipei, Mumbai, Manila, Jakarta và Bangkok đều tăng điểm. Còn thị trường Singapore và Wellington cùng giảm.
Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) chốt phiên tăng 0,47%, hay 15,16 điểm, lên 3.251,85 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,29%, hay 63,03 điểm, lên 21.872,01 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,36%, hay 97,23 điểm, lên 26.985,8 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 0,17%, hay 4,53 điểm, lên 2.700,39 điểm.
Các thị trường đã nhận được lực đẩy từ Phố Wall, với các chỉ số chốt phiên trước tăng điểm sau khi giảm mạnh trong phiên. Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong các phiên trước đó, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tăng lãi suất.
Fed nêu rõ sẽ hành động quyết liệt hơn nhằm kiểm soát lạm phát hiện ở mức cao nhất trong 40 năm, thông qua việc tăng lãi suất và giảm lượng trái phiếu nắm giữ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Fed cần làm rõ hơn nữa về chính sách tiền tệ sẽ thực hiện.
Việc Fed tăng lãi suất đã giúp đồng USD lên giá so với các đồng tiền mạnh khác, đặc biệt là đồng euro, khi đồng tiền này giảm giá do các quan chức châu Âu chưa sẵn sàng hành động trong vấn đề giá cả. Đồng tiền chung châu Âu hiện vẫn ở mức thấp nhất trong một tháng.
Các thị trường cũng chịu sức ép lớn trong năm nay khi chính sách tiền tệ nới lỏng mà các ngân hàng trung ương thực hiện kết thúc, nền kinh tế Trung Quốc chậm lại do đại dịch, xung đột tại Ukraine và lạm phát tăng mạnh.
Nhà phân tích Jeffrey Halley của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) cảnh báo các nhà giao dịch đang trở nên lo ngại hơn về kinh tế Trung Quốc khi việc phong tỏa Thượng Hải kéo dài do biến thể Omicro lây lan nhanh.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/4, chỉ số VN-Index giảm 1,35% xuống 1.482 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 2,17% xuống 432,02 điểm.