Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã thoát khỏi xu hướng giảm ở đầu phiên để đảo chiều tăng 70,49 điểm (0,25%), lên 27.736,47 điểm. Diễn biến bế tắc của cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh phong tỏa xã hội chặt chẽ của Trung Quốc do dịch COVID-19 đã tạo sức ép giảm cho thị trường vào đầu phiên, song xu hướng mua vào cổ phiếu giá hời đã giúp chỉ số Nikkei 225 trở lại quỹ đạo tăng.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng lên mức cao nhất hai tháng trong phiên giao dịch đầu tuần, giữa bối cảnh giá dầu giảm và các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã giúp cải thiện tâm lý của giới đầu tư, bất chấp những quan ngại về khả năng Fed tăng lãi suất và khủng hoảng Ukraine. Đóng cửa phiên này, chỉ số Kospi tăng 18,05 điểm (0,66%), lên 2.757,90 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong cũng đi lên trong phiên này, dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi Trung Quốc loại bỏ một quy tắc ngăn giới chức Mỹ giám sát hoạt động kiểm toán đối với các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán New York, "xoa dịu" lo ngại rằng các công ty này có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ. Chốt phiên này, chỉ số Hang Seng tiến 462,76 điểm (2,1 %), lên 22.502,31 điểm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ.
Các thị trường chứng khoán Singapore, Sydney của Australia, Mumbai của Ấn Độ, Manila của Philippines, Jakarta của Indonesia và Bangkok của Thái Lan cũng đồng loạt tăng điểm. Tuy nhiên, thị trường Wellington của New Zealand lại chìm trong "sắc đỏ".
Đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á trong phiên đầu tuần được hỗ trợ bởi xu hướng giảm giá dầu gần đây, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gồm 31 thành viên đã đồng ý khai thác kho dự trữ khổng lồ của mình để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga, trong khi lệnh ngừng bắn ở Yemen có hiệu lực đã giảm bớt lo ngại về nguồn cung dầu từ khu vực này.
Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 431.000 việc làm trong tháng Ba, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống 3,6%. Trước đó, các nhà phân tích dự kiến nền kinh tế Mỹ sẽ tạo thêm khoảng 490.000 việc làm trong tháng Ba và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua và tiền lương tăng trở lại củng cố dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 tới. Số liệu trên cho thấy, mặc dù lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm và xung đột Ukraine đã làm gia tăng sự không chắc chắn, sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, kỳ vọng rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đột biến.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 4/4, VN-Index tăng 8,26 điểm lên 1.524,7 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 779,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 26.751,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 254 mã tăng giá, 187 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
HNX- Index tăng 4,59 điểm lên 458,69 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 89,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.855,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 163 mã tăng giá, 92 mã giảm giá và 40 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,48 điểm lên 117,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 73,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.705 tỷ đồng. Toàn sàn có 242 mã tăng giá, 126 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.