Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/5, VN - Index giảm tới 32,15 điểm xuống 931,75 điểm. Toàn sàn chỉ có 40 mã tăng giá, trong khi có tới 265 mã giảm giá; trong đó có tới 86 mã giảm sàn. Có 35 mã đứng ở mức giá tham chiếu.
HNX- Index cũng giảm tới 7,11 điểm xuống 107,37 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng giá và 143 mã giảm giá; trong đó có tới 40 mã giảm xuống mức giá sàn. Có 51 mã đứng ở mức giá tham chiếu.
Những con số này cho thấy độ rộng thị trường thu hẹp quá nhiều, cùng với đó là số mã giảm sàn còn lớn hơn số mã tăng giá. Đây có thể được coi là một phiên giảm giá rất “sốc” khi tất cả các nhóm cổ phiếu đều giảm giá và tất cả các nhóm cổ phiếu đều có mã giảm sàn.
Tại nhóm cổ phiếu VN30, chỉ còn duy nhất VIC tăng mạnh tới 4.000 đồng/cổ phiếu, 29 mã cổ phiếu còn lại thuộc nhóm này đều giảm giá rất sâu. Đặc biệt có những mã trụ cột giảm sàn như: GAS giảm tới 7.300 đồng/cổ phiếu, FPT giảm 3.400 đồng/cổ phiếu, VJC giảm tới 11.100 đồng/cổ phiếu, SBT giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, ROS giảm 4.200 đồng/cổ phiếu, HSG giảm 800 đồng/cổ phiếu, MWG giảm 7.700 đồng/cổ phiếu, Đáng chú ý, các mã cổ phiếu này tuy giảm sàn, nhưng kết phiên giao dịch đều “trắng” bên mua.
Ngoài ra, những mã vốn hóa lớn còn lại không giảm sàn nhưng cũng giảm rất sâu như: VNM giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, MSN giảm 3.500 đồng/cổ phiếu, HPG giảm 3.400 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 4.000 đồng/cổ phiếu, SAB giảm 2.000 đồng/cổ phiếu,…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giảm giá rất mạnh, có tới 5 mã cổ phiếu ngân hàng giảm sàn là: BID giảm 1.900 đồng/cổ phiếu, CTG giảm 1.800 đồng/cổ phiếu, STB giảm 800 đồng/cổ phiếu, HDB giảm 2.450 đồng/cổ phiếu, VPB giảm 2.900 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt, VPB và CTG kết phiên giao dịch cũng trắng bên mua.
Không còn mã ngân hàng nào tăng giá, tất cả các mã ngân hàng còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, VCB giảm tới 3.200 đồng/cổ phiếu, VIB giảm 3.200 đồng/cổ phiếu, ACB giảm 3.800 đồng/cổ phiếu, TPB và MBB giảm 1.900 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng vậy, không còn mã nào tăng giá. Các mã cổ phiếu dầu khí giảm rất sâu như: PLX giảm 3.500 đồng/cổ phiếu, PVB, PVD và PVS đều bị kéo xuống mức giá sàn. BSR, OIL, POW, PVC, TDG… đều ngập trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng vậy, ngoài VIC tăng mạnh ra thì các mã còn lại đều giảm mạnh như: NVL giảm 1.000 đồng/cổ phiếu, VRE giảm 600 đồng/cổ phiếu, VHM giảm 500 đồng/cổ phiếu.
Các mã vốn hóa vừa và nhỏ thuộc nhóm bất động sản cũng đua nhau giảm sàn như: ASM, CCL, CEO, DIG, DXG, HDG, HQC, ITA, KAC, KDH, LDG, SCR…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm sàn la liệt với: MBS, ORS, SBS, VCI, VIG, VND, HCM, AGR. Các mã còn lại cũng ngập trong sắc đỏ như: SSI, SHS, FTS, CTS…
Mặc dù thị trường giảm mạnh như vậy, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Tổng khối lượng giao dịch trên 2 sàn niêm yết đạt 287 triệu cổ phiếu, trị giá gần 7.100 tỷ đồng; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 1.200 tỷ đồng. Như vậy, giao dịch khớp lệnh ở phiên hôm nay vào khoảng 5.900 tỷ đồng. Mức thanh khoản này vẫn là rất thấp so với giai đoạn trước khi thị trường điều chỉnh.
Có lẽ điểm tích cực nhất trong phiên giao dịch hôm nay đó là việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên 2 sàn. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại bán ròng 350.180 cổ phiếu, với giá trị bán ròng đạt 6,64 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên HNX khối ngoại lại mua ròng 635.037 cổ phiếu, với giá trị mua ròng đạt 10,62 tỷ đồng. Như vậy, tính chung trên cả 2 sàn, khối ngoại đã mua ròng 3,98 tỷ đồng.