Nhận định chứng khoán tuần từ 28/5 - 1/6: Xu hướng giảm có thể kéo dài

Tuần giao dịch chứng khoán từ 21 - 25/5 mang lại sự thất vọng đáng quên. Thị trường tiếp tục giảm rất mạnh với nền tảng thanh khoản thấp và khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 76,64 điểm xuống 963,9 điểm; Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2018; HNX-Index giảm 6,78 điểm xuống 114,49 điểm.

Thị trường giảm mạnh và dễ dàng xuyên thủng các mức hỗ trợ quan trọng. Dường như không có lực cản nào đủ mạnh để kìm hãm đà giảm thị trường.

Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Diễn biến thị trường cho thấy, cả tuần có 5 ngày giao dịch thì duy nhất chỉ có một ngày VN- Index tăng điểm nhẹ vào giữa tuần sau 2 hôm giảm mạnh, sau đó thị trường lại tiếp tục giảm sâu. Thực tế này cho thấy, sự phục hồi của thị trường là rất yếu ớt.

Có vẻ như nhà đầu tư chỉ chờ cổ phiếu tăng giá để thoát hàng hơn là mua thêm cổ phiếu. Áp lực bán tăng cao, trong khi nhà đầu tư rất thận trọng trong giải ngân mua mới cổ phiếu khiến thanh khoản ở mức thấp. Thậm chí, có những cổ phiếu giảm sàn mà vẫn trắng bên mua khi kết thúc phiên giao dịch. Đơn cử như phiên giao dịch cuối tuần (25/5), VJC, GAS, SBT mặc dù bị kéo xuống mức giá sàn nhưng kết phiên giao dịch lại “trắng” bên mua.

Điều này một lần nữa cho thấy, nhà đầu tư đang thận trọng cao độ và giá cổ phiếu càng xuống thấp, nhà đầu tư càng thận trọng. Thị trường hiện nay dường như đang thử thách tâm lý nhà đầu tư. 

Thực tế, thanh khoản trong tuần qua tiếp tục suy yếu và ở mức thấp với chỉ khoảng hơn 5.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 54,2% xuống 23.576 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 22,6% xuống 757 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 12% xuống 3.190 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 13,9% xuống 224 triệu cổ phiếu.

Lý giải về việc dòng tiền sụt giảm trong thời gian qua, theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS, câu chuyện dòng tiền lúc này liên quan đến thị trường phái sinh. Giá trị giao dịch và khối lượng hợp đồng giao dịch tăng mạnh trên thị trường chứng khoán phái sinh là minh chứng cho sức hút với nhà đầu tư và cũng là lý do khiến dòng tiền ở lại thị trường cơ sở sụt giảm phân nửa trong giai đoạn kiểm tra đáy vừa qua.

Thực tế, thị trường phái sinh liên tiếp lập kỷ lục về thanh khoản nhờ biến động mạnh của chỉ số và lợi thế giao dịch hai chiều. Trong 4 phiên gần đây, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai đều trên 80.000 hợp đồng; trong đó, giá trị giao dịch mỗi phiên theo quy mô danh nghĩa đều đạt trên 8.000 tỷ đồng.

Diễn biến thị trường tuần qua cho thấy, việc thị trường chứng khoán cơ sở giảm “sốc”  nguyên nhân chủ yếu là do các nhóm cổ phiếu chính giảm mạnh. Đơn cử, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm rất sâu với tất cả các mã trụ cột như: VCB giảm 11,5%, CTG giảm 11,2%, BID giảm 15,9%, VPB giảm 10,4%, MBB giảm 6,9%, ACB giảm 6,5%, SHB giảm 11%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, đi kèm với việc thanh khoản của nhóm cổ phiếu này không tăng lên. Trong khi đó, tuần giao dịch tới cũng chưa có thêm thông tin tích cực nào hỗ trợ nhóm cổ phiếu này khiến cơ hội để nhóm ngân hàng tăng mạnh trở lại có vẻ như khó xảy ra.

Trước những thông tin bất lợi về giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giảm rất sâu trong tuần qua với các mã tiêu biểu như: PLX giảm tới 14,4%, BSR giảm 13,1%, OIL giảm 13,3%, PVD giảm tới 18,7%, PVC giảm 9,3%, PVS giảm 16,2%, PVB giảm 23,9%.

Thực tế, giá dầu đang trong giai đoạn suy giảm trở lại do lo ngại về dự trữ dầu thô tại Mỹ và khả năng OPEC có thể tăng sản lượng dầu để bù đắp thiếu hụt trong thời gian sắp tới.

Cụ thể, giá dầu WTI mất khoảng 4,9%, tuần giảm giá đầu tiên trong gần một tháng qua. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 2,35 USD (3%), xuống 76,44 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 8/5. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent hạ 2,6%.

Có thể nhóm cổ phiếu dầu khí trong tuần tới vẫn trong xu hướng giảm theo những diễn biến xấu của giá dầu thế giới.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến theo xu hướng thị trường chung. Tuần qua, nhóm cổ phiếu này giảm rất sâu với những mã tiêu biểu như: SSI giảm 10,6%, HCM giảm 9,7%, VCI giảm 8,4%, VND giảm 13,7%, SHS giảm 6,1%.

Cơ hội hồi phục của nhóm chứng khoán gắn liền với sự hồi phục của thị trường về điểm số và mức thanh khoản. Cơ hội này có vẻ rất “mong manh” trong tuần giao dịch tới.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến trái chiều, trong khi VIC giảm tới 13% thì VHM tăng 6,3% và trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, năm 2018 dự báo thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi, tăng trưởng và phát triển ổn định. Các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản sẽ tái cơ cấu lại hợp lý hơn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản bứt phá. Đây cũng là những yếu tố hỗ trợ tích cực nhóm cổ phiếu bất động sản. Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng không dành cho tất cả nhóm cổ phiếu này, mà sẽ só những mã tăng trưởng mạnh và ngược lại sẽ có những mã giảm giá mạnh.

Thực tế này đang diễn ra tại nhóm cổ phiếu bất động sản. Đơn cử, cổ phiếu CEO tăng từ 10.300 đồng/cổ phiếu (phiên giao dịch 2/1) lên 17.000 đồng/cổ phiếu ( phiên giao dịch 25/5). Như vậy thị giá cổ phiếu CEO đã tăng tới 65% kể từ đầu năm. Tương tự NDN tăng hơn ,8%, KDH tăng  hơn 22,6%, HDG tăng hơn 16,5%,...

Ở chiều ngược lại, HQC giảm gần 25,2%, PVC giảm tới hơn 50,8%, QCG giảm hơn 32%.

Cùng với việc dòng tiền nội càng ngày càng suy giảm, thì khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng cổ phiếu với giá trị hàng nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn. Đặc biệt, hoạt động bán ròng tập trung vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tại sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng trên 2.395 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 40,4 triệu cổ phiếu. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất 3 mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành bất động sản là VIC, VHM và VRE.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 855.354 cổ phiếu, nhưng xét về giá trị thì khối này bán ròng nhẹ, đạt hơn 3,4 tỷ đồng.

Như vậy, thị trường trong tuần giao dịch tới sẽ phải đối diện với khó khăn, khi dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu trở lại, cùng với việc khối ngoại bán ròng mạnh và tuần tới cũng chưa có thông tin tích cực mới để có thể nâng đỡ thị trường.

Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, rủi ro đã tăng cao và xu hướng điều chỉnh của thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC: "Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, cùng với động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại hiện đang là tín hiệu khá tiêu cực với diễn biến của thị trường chung. Dòng tiền bắt đáy hoạt động nhìn chung còn khá yếu, trong khi áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn ở mức cao khiến xu hướng điều chỉnh của thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong ngắn hạn".

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng: "Các chỉ số giảm mạnh cùng thanh khoản gia tăng lên mức trung bình. Cả hai chỉ số cùng phá vỡ các đáy gần đây và chưa xuất hiện các dấu hiệu đảo chiều. Xu hướng giảm vẫn có thể kéo dài hơn".

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS) nhận định, việc bên bán tiếp tục hạ giá trong khi bên mua vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường rõ nét khiến cho rủi ro thị trường tăng cao.

Tuy nhiên, theo SHS, trong tuần giao dịch tiếp theo (28/5-1/6), VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu test (kiểm tra) thành công lực cầu trong vùng hỗ trợ trong khoảng 940-960 điểm (MA50 tuần - MA200 ngày).


Văn Giáp (TTXVN)
Bao giờ thị trường chứng khoán chạm đáy?
Bao giờ thị trường chứng khoán chạm đáy?

Từ cuối tháng 4 đến nay, thị trường chứng khoán đã liên tục có những phiên giảm điểm sâu và “thủng" mốc 1.000 điểm. Nhiều nhà đầu tư chưa kịp bán cổ phiếu trước đó đã thua lỗ nặng. Câu hỏi đặt ra lúc này, bao giờ thị trường chứng khoán chạm đáy để có thể bắt “dao rơi”?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN