Tại báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt 13% và lãi suất huy động, cho vay sẽ giảm 20 - 50 điểm % trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát thấp.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tín dụng ngân hàng tăng khoảng 10-15% là phù hợp. Dù kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro đang chờ đợi các ngân hàng trong thời gian tới. Tín dụng tuy khởi sắc, song chưa thể tăng trưởng cao trở lại. Bên cạnh đó, nợ xấu tiềm ẩn đang tăng lên rất nhanh, lợi nhuận có nguy cơ giảm.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cũng dự báo tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý II/2020, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, du lịch… và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2021. Bên cạnh đó các động lực tăng trưởng như cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu phục hồi; thu hút vốn FDI và giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh…
Dự báo này được đưa ra trên cơ sở kết quả tăng trưởng tín dụng quý I/2021. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tính đến hết tháng 3, tín dụng tăng trưởng khoảng 2,3% so với cuối năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái khi tín dùng toàn nền kinh tế chỉ tăng chưa đến 1%, so với những năm trước đó tín dụng chỉ tăng khoảng 2,5-2,6%.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá thận trọng khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2021 là 12%. Theo Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Anh, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng ứng với tình hình diễn biến COVID-19. Với kịch bản 1, tăng trưởng tín dụng từ 12-13%, tối đa có thể lên 14% nếu dịch COVID-19 dừng trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà.
Kịch bản 2, mức tăng trưởng tín dụng là 10 - 12% trong trường hợp COVID-19 kéo dài đến tháng 6/2021 và Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine. Và kịch bản 3 là COVID-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng từ 7 - 8%.
Nhưng với diễn biến nền kinh tế như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới kịch bản tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12%, nhưng sẽ linh hoạt điều chỉnh", ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước ngoại trừ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được tăng trưởng tín dụng 10,5%, ba ngân hàng còn lại hạn mức tín dụng là 6 - 7,5%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng để tăng trưởng tín dụng hiệu quả thì cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được nguồn trả nợ của khách hàng để vẫn đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng mà chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng cũng được đảm bảo.