Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng: Nhóm ngân hàng-chiếm tỷ trọng lớn nhất trong VN30 đã bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực khi các khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ đang trong tình thế khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2020, khiến khả năng cao phải tăng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu theo Thông tư 03/2021/TT-Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Với việc dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN không còn nhiều, hoạt động giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng sẽ khiến biên lợi nhuận (NIM) nhiều ngân hàng sụt giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận từ mảng tín dụng.
Đề cập dòng tiền đầu tư, đại diện Công ty Chứng khoán VietinBank chia sẻ: Trong bối cảnh hoạt động sản xuất bị đình trệ, 2 kênh đầu tư được ưa chuộng nhất vẫn sẽ là chứng khoán và bất động sản với ưu thế là khả năng đạt được tỷ suất lợi nhuận cao; hành lang pháp lý rõ ràng và có tính thanh khoản. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 lần này được nhìn nhận sẽ có những tác động sâu rộng hơn tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán, không như những đợt lây lan cộng động trước đây.
Bộ phận vĩ mô Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo gần nhất đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 6,7% xuống 5,5%. Mặc dù vậy, đây chỉ là ảnh hưởng mang tính thời điểm và GDP được kỳ vọng tăng trưởng trên 6,5% trong 2 năm tiếp theo. “Đối với thị trường chứng khoán, yếu tố ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường không phải dịch bệnh, mà là kỳ vọng hay niềm tin vào xu hướng tăng trưởng của thị trường còn mạnh hay không”, đại diện BVSC cho biết.
TTCK được nhiều chuyên gia dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh, tức nhiều cổ phiếu giảm giá, dòng tiền chủ yếu tập trung vào một số nhóm ngành và doanh nghiệp chủ chốt có khả năng vượt “bão” COVID-19 thành công.
“Với quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành trong phòng dịch bệnh, các chính sách đồng bộ của Chính phủ như: Chiến dịch tiêm vaccine..., hy vọng đến cuối năm, có thể kiểm soát được dịch bệnh, qua đó đảm bảo tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt và Chính phủ có quyết tâm cao về kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng lãi suất. Với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), chúng tôi kiên định với việc hạn chế can thiệp hành chính vào thị trường, đảm bảo thị trường được hoạt động xuyên suốt, công bằng, minh bạch”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược Đầu tư Công ty Dragon Capital, trong vài tháng qua, dù giảm 13-14% so với đỉnh, nhưng TTCK có sự trưởng thành vượt bậc. Trên sàn HoSE, với mức thanh khoản 15.000-17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý. Về diễn biến thị trường giảm đợt qua, tôi cho rằng có 2 yếu tố, định giá là một phần, yếu tố thứ 2 là dòng tiền. Trong đó, dòng tiền nước ngoài rút ròng mạnh, từ đầu năm đến nay rút ròng trên sàn chứng khoán 1,7 triệu USD và trong 3 năm qua là 4 tỷ USD.
“Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Năm 2020, Việt Nam rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh nên vẫn thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài. 6 tháng đầu năm vẫn rất tốt, đặc biệt chính sách tiêm vắc-xin, không đóng cửa doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động nên đóng góp GPD có thể đạt 6,5%. Chúng ta đã từng ghi nhận những phiên giao dịch 20.000 - 25.000 tỷ đồng/phiên giao dịch cho thấy TTCK rất tốt”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC).
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 16,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm. Các doanh nghiệp lớn của nước ngoài vẫn đặt niềm tin rất lớn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn tốt, tạo niềm tin cho thị trường sắp tới. Ông Đặng Thành Tâm hy vọng: Chỉ trong vài tháng nữa, Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Hà Nội và các tỉnh thành nói chung, các chính sách của Việt Nam sẽ sớm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quan sát của bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán (CTCK) Rồng Việt, trong quý III/2021, tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt được con số tích cực, bởi hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng. TTCK đang đón đợi quý III/2021 không mấy khả quan đến có sự quan sát thêm cũng hợp lý. Nếu Việt Nam đẩy mạnh tốc độ tiêm vacine tại các thành phố lớn, thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục.