Tại thị trường Singapore vào lúc 9 giờ 59 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 53 xu Mỹ (0,8%) lên 67,29 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 71 xu Mỹ (1,3%) lên 57,17 USD/thùng.
Theo các chuyên gia, tâm lý thị trường vẫn còn yếu do dấu hiệu nhu cầu giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.
Công ty năng lượng Baker Hughes của Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/11 số giàn khoan dầu ở nước này đã tăng 2 giàn lên 888 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015. Như vậy, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng gần 25% từ đầu năm đến nay lên mức kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.
Dự kiến, các bộ trưởng thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ ( OPEC) sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 6/12 tới để quyết định về chính sách sản lượng trong sáu tháng tới. Trong khi OPEC đang rục rịch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, phía Nga lại phát đi tín hiệu trái chiều khi Giám đốc điều hành Vagit Alekperov của Lukoil ngày 12/11 nói rằng ông không thấy việc cắt giảm sản lượng là cần thiết. Theo số liệu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu đã mất 25% giá trị chỉ trong sáu tuần do sức ép từ khả năng kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và sản lượng dầu tại Mỹ cũng như một số nước khác gia tăng.