Tại New York phiên này, giá dầu Brent giảm 0,20 USD (0,3%) xuống 72,61 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) sụt mất 0,42 USD (0,7%) xuống 67,2 USD/thùng.
Trước đó hồi đầu phiên, giá dầu đã có lúc giảm hơn 1 USD/thùng sau khi công ty nghiên cứu thị trường Genscape công bố báo cáo cho thấy lượng dầu trữ trong tại trung tâm giao chuyển dầu WTI ở Cushing, Oklahoma, đã tăng khoảng 1,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 10/8.
Một cơ sở sản xuất dầu mỏ thuộc đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Các kho dự trữ dầu thô tại Cushing đang giảm dần, một phần là do nhà máy tinh chế dầu Syncrude ở Canada tạm dừng hoạt động, qua đó làm giảm lưu lượng dầu thô được chuyển vào trung tâm này. Nhà máy trên đã bắt đầu sản xuất trở lại và dự kiến sẽ phục hồi công suất hoàn toàn vào tháng Chín này.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tăng nguy cơ “lây lan” ra các nền kinh tế mới nổi khi đã khiến một loạt các đồng nội tệ như đồng rand của Nam Phi, peso của Argentina và Mexico, và đồng ruble của Nga đi xuống. Cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm giảm giá cổ phiếu của các thị trường mới nổi, trong khi kiềm chế đà tăng và triển vọng nhu cầu về dầu tại các thị trường này.
Theo ông Jim Ritterbusch, người đứng đầu công ty chuyên nghiên cứu và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng Ritterbusch and Associates, Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường tiêu thụ dầu tương đối nhỏ với chỉ khoảng 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư vẫn bị tác động bới những e ngại về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tương tự sẽ xảy ra tại những nền kinh tế mới nổi khác.
Ngoài ra, vẫn có những lo ngại về một cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới.