Sau hai phiên liên tiếp đi lên, các thị trường chứng khoán châu Á đã không thể duy trì đà tăng trong phiên sáng nay và các thị trường chủ chốt diễn biến trái chiều trong phiên chiều, bất chấp số liệu thương mại vượt ngoài kỳ vọng của Trung Quốc.
Cụ thể, khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) sụt mất 0,1%, hay 18,43 điểm, xuống 22.644,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 1,3%, hay 35,3 điểm, xuống còn 2.744,07 điểm; trong lúc chỉ số Hang Seng tại Hong Kong lại tăng 0,4%, hay 110,26 điểm, lên 28.359,14 điểm phiên chiều nay.
Trong khi đó, tại thị trường Sydney và Seoul, hai chỉ số S&P/ASX 200 và Kospi tăng nhẹ 0,2% và 0,1% và đóng phiên lần lượt ở mức 6.2,5 điểm và 2.301,45 điểm.
Giới đầu tư vẫn thận trọng trước những diễn biến mới trong tình hình thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ ngày 7/8 cho biết mức thuế 25% đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/8, sau khi Washington đã quyết định đánh thuế đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tháng trước.
Dù động thái trên đã được dự đoán từ trước nhưng cùng với những biện pháp trả đũa từ phía Trung Quốc, tình hình hiện nay đang làm thị trường thêm lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại sâu rộng có thể xảy ra giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới và sẽ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu. Thậm chí, Nhà Trắng còn nhắm vào lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nữa từ Trung Quốc có thể sẽ bị đánh thuế trong tương lai.
* Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên 8/8 sau khi Trung Quốc đưa ra số liệu khá yếu về nhập khẩu mặc dù thị trường vẫn được hỗ trợ bởi việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và việc Washington tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Iran.
Tại Singapore vào lúc 13 giờ 51 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 74,5 USD/thùng, giảm 0,2% (tương đương 0,15 USD) so với mức giá cuối phiên trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 69,15 USD/thùng, giảm nhẹ 0,02 USD so với mức giá đóng cửa phiên trước.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 7/2018 hồi phục nhẹ sau khi giảm trong hai tháng trước đó, song vẫn ở các mức thấp nhất trong năm nay do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập quy mô nhỏ hơn của nước này sụt giảm.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cho thấy lượng dầu xuất sang Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - đạt 36,02 triệu tấn trong tháng trước, tương đương 8,48 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 8,18 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm ngoái. Con số này là 8,36 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2018.