Phiên này, giá dầu Brent giảm 1,62 USD (tương đương 1,8%) xuống 86,27 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) để mất 1,83 USD (2,2%) xuống 83,31 USD/thùng.
Cũng trong phiên 24/1, chứng khoán toàn cầu lao dốc trong khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hai tuần do căng thẳng giữa Nga và phương Tây về tình hình Ukraine cùng khả năng Fed sẽ có lập trường cứng rắn hơn tại cuộc họp tuần này.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 10% do lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, Chỉ số Sức mạnh Tương đối - một thước đo tâm lý thị trường ngắn hạn, trong ngày 24/1 đã giao dịch ở quanh mức được coi là dấu hiệu thị trường sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.
Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đã gia tăng trong nhiều tháng qua, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Đông Âu. Còn tại Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hôm 24/1 đã đánh chặn và phá hủy hai tên lửa đạn đạo của quân Houthi nhắm vào quốc gia vùng Vịnh sau cuộc tấn công mới cách đó một tuần.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Commerzbank cho biết tình hình leo thang hơn nữa ở cả Ukraine và Trung Đông sẽ là những yếu tố tác động lớn đối với giá dầu, vì các nước liên quan - như Nga và UAE – đều là những thành viên quan trọng của OPEC+.
Ngân hàng Barclays mới đây đã nâng dự báo giá dầu trung bình thêm 5 USD/thùng cho năm nay, với lý do công suất dự phòng bị thu hẹp và rủi ro chính trị gia tăng. Động thái này theo sau một quyết định tương tự của ngân hàng Morgan Stanley vào tuần trước, khi họ dự kiến giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng vào quý III/2022.