Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,02 USD, hay 0,9%, lên 113,23 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc tăng 51 xu Mỹ, hay 0,4%, và đóng phiên ở mức 112,55 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 2,5%, còn giá dầu Brent tăng 0,9%.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới tăng nhờ sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể sau những tín hiệu tích cực rằng đại dịch COVID-19 đang suy yếu ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước này. Giá dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà ngoại giao và quan chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lạc quan đạt được một thỏa thuận cấm vận từng giai đoạn đối với dầu của Nga, bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu.
Tuy nhiên, sau đó giá dầu lại giảm hai phiên liên tiếp trước những dấu hiệu cho thấy tình trạng thắt chặt nguồn cung có thể dịu xuống. Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa tin Mỹ có thể nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Venezuela, làm tăng hy vọng rằng thị trường sẽ sớm có thêm nguồn năng lượng bổ sung.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng đi xuống sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể bị tổn thương bởi nỗ lực giảm lạm phát. Ông Powell cho biết Fed sẽ “tiếp tục thúc đẩy” việc thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đang giảm xuống.
Sau hai ngày sụt giảm trên, giá dầu phục hồi trong phiên 19/5 do sự sụt giảm của đồng USD và kỳ vọng Trung Quốc có thể nới lỏng giãn cách xã hội thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch), cho biết giá dầu thô vẫn đang dao động trong biên độ hẹp, “giằng co” giữa tác động kìm hãm tăng trưởng từ xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và sự thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu.
Ông nhận định giá dầu có thể được hỗ trợ hơn khi Trung Quốc dỡ bỏ tình trạng phong tỏa, vốn đã đè nặng lên nền kinh tế nước này và làm giảm nhu cầu hàng hóa nói chung.
Tuy nhiên, xu hướng giảm giá trên thị trường chứng khoán cũng đang gây áp lực lên giá dầu thô và có thể hạn chế đà tăng của “vàng đen”. Chỉ số S&P 500 trên Phố Wall đã giảm hơn 20% từ mức đóng phiên cao kỷ lục hồi đầu tháng Một. Xu hướng giảm giá trên thị trường chứng khoán sẽ được xác nhận nếu đà giảm này vẫn tiếp diễn.