Bên cạnh đó, giá dầu cũng đi xuống sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể bị tổn thương bởi nỗ lực giảm lạm phát. Ông Powell cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ “tiếp tục thúc đẩy” việc thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đang giảm xuống.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,31 USD/thùng (2%) xuống 111,93 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,8 USD/thùng (1,6%) xuống 112,40 USD/thùng.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, giá dầu Brent đóng phiên ở mức thấp hơn dầu WTI. Các nhà lọc dầu trên thế giới đang chật vật tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế sau khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra.
Andrew Lipow, Chủ tịch hiệp hội dầu Lipow tại Houston cho hay các kho dự trữ dầu của Mỹ đang giảm xuống và điều đó đã khiến giá dầu thô tại nước này tăng lên.
Hãng Reuters dẫn nguồn tin cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ủy quyền cho công ty dầu khí Chevron Corp đàm phán với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vào ngày 17/5. Nguồn tin này cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng của Mỹ về việc xem xét giấy phép có hạn hiện nay của Chevron để hoạt động tại Venezuela.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 17/5 cho thấy dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ đã giảm trong tuần trước. Số liệu chính thức của Chính phủ Mỹ sẽ được công bố ngày 18/5.
Giá dầu nhìn chung đang tăng do nguồn cung từ Nga bị siết chặt bởi lệnh cấm của một số quốc gia. Sản lượng dầu Nga đã giảm 9% trong tháng 4/2022, và nước này, vốn là một phần của OPEC+, gồm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu khác, đã sản xuất thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu theo thỏa thuận giảm dần mức cắt giảm sản lượng kỷ lục được thực hiện trong giai đoạn dịch COVID-19 năm 2020.