Ông Nguyễn Thanh Ca, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết, gia đình vừa mới thu hoạch hơn 1,5 ha lúa Thu Đông Sớm, năng suất lúa đạt bình quân 5,3 tấn/ha. Giá lúa tươi OM 5451 được thương lái thu mua tại ruộng 8.500 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, ông Ca có lợi nhuận gần 5.000 đồng/kg lúa thương phẩm.
Theo ông Nguyễn Thanh Ca, ở vụ lúa Thu Đông năm nay, nông dân trồng lúa có lợi nhuận cao nhờ giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ổn định, như: phân DAP ổn định ở mức 980.000 đồng/bao (50 kg), phân NPK 16 - 16 - 8 ở mức 620.000 - 650.000 đồng/kg, phân đạm Cà Mau ở mức 535.000 đồng/bao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho hay, ở vụ Thu Đông này, hầu hết nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu theo sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp, như: OM 5451, OM 4.900, Đài Thơm 8, ST 25 nên được thương lái ưa chuộng thu mua.
Cùng với đó, thời tiết canh tác vụ lúa Thu Đông rất thuận lợi, việc dự báo tình hình hình sâu bệnh, hướng dẫn nông dân cách phòng trị được các đơn vị chuyên môn, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, xã thực hiện tốt nên vụ lúa Thu Đông năm nay ước năng suất đạt bình quân 5,36 tấn/ha, cao hơn cùng mùa vụ năm trước khoảng 0,02 tấn/ha.
Hiện tại, hơn 71.800 ha diện tích lúa Thu Đông toàn tỉnh đã có hơn 2.000 ha lúa sớm ở các vùng nước ngọt của huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần thu hoạch. Diện tích lúa còn lại hiện có hơn 17.000 ha đang chín sắp thu hoạch, hơn 43.600 ha đang giai đoạn trỗ đòng và đẻ nhánh.
Tỉnh Trà Vinh có kế hoạch trồng lúa mỗi năm với diện tích khoảng 200.000 ha, đạt tổng sản lượng lúa bình quân khoảng 1,2 triệu tấn. Tỉnh chủ trương không tăng diện tích trồng lúa, nhưng tăng năng suất và tăng chuỗi giá trị hạt gạo. Cùng đó, tỉnh đang đầu tư xây dựng một số vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như xây dựng vùng lúa hữu cơ 1.000 ha và đến năm 2030 là 2.500 ha; vùng sản xuất lúa sạch phấn đấu đến năm 2030 đạt diện tích ít nhất 20.000 ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ quy mô lớn để ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch.
Hiện tại, tỉnh Trà Vinh đã tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt 10.550 ha và đến năm 2030 đạt 30.736 ha. Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp được tỉnh tập trung thực hiện tại 42 xã của 6 huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.