Giá vàng hướng đến mức giảm hơn 1% trong tuần qua
Chiều 19/1, giá vàng thế giới đang hướng đến tuần giao dịch tệ nhất trong sáu tuần qua, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ mạnh lên, sau khi các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy lùi các dự đoán về khả năng hạ lãi suất sớm.
Vào lúc 14 giờ 43 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.027,39 USD/ounce, nhưng giảm hơn 1% trong tuần qua tính đến thời điểm này. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 2.029,60 USD/ounce.
Ông Hugo Pascal, một nhà giao dịch kim loại quý của công ty thương mại InProved, cho biết vàng gặp áp lực khi giới giao dịch điều chỉnh các dự đoán về khả năng hạ lãi suất sau số liệu kinh tế khả quan hơn dự đoán và những bình luận có thiên hướng ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ của các quan chức Fed. Theo ông, điều này cũng đang lấn át tác động từ các nguy cơ địa chính trị tại Trung Đông.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt, giảm 0,1% trong phiên này, nhưng tăng gần 1% trong tuần này. Đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm mức cao nhất trong năm tuần qua là 4,1730%.
Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho biết ông cởi mở với khả năng hạ lãi suất sớm hơn dự đoán, nhưng còn phụ thuộc vào tốc độ hạ nhiệt của lạm phát. Ông cho biết hiện có khả năng phải đến quý III/2024 Fed mới bắt đầu hạ lãi suất. Theo Tập đoàn giao dịch chứng khoán London, xác suất Fed hạ lãi suất trong tháng Ba tới đã giảm từ khoảng 71% tuần trước xuống 55%.
Giá dầu tăng trước những nguy cơ về nguồn cung
Giá dầu tại châu Á tăng chiều 19/1, khi những căng thẳng địa chính trị và tình trạng gián đoạn sản lượng dầu tại Mỹ do thời tiết lạnh đã lấn át những lo ngại về tăng trưởng nhu cầu yếu tại Trung Quốc và dự đoán nguồn cung dồi dào.
Vào lúc 14 giờ 15 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2 xu Mỹ lên 79,12 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 13 xu Mỹ lên 74,21 USD/thùng. Tình trong tuần này, giá của hai loại dầu trên đang hướng đến các mức tăng lần lượt 1% và 2%.
Ông Hiroyuki Kikukawa, một lãnh đạo của công ty dịch vụ tài chính Nissan Securities, cho biết trong bối cảnh những căng thẳng tại Trung Đông đang lan rộng, giới giao dịch không muốn bán ra, nhưng cũng thận trọng với việc tiếp tục mua vào, khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn yếu.
Bên cạnh đó, ông nhận định còn có những lo ngại rằng căng thẳng Mỹ-Trung có thể “nóng” trở lại khi cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ sắp đến gần. Đây là yếu tố tiêu cực đối với nhu cầu năng lượng.
Lực lượng Houthi vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công tại Biển Đỏ, bất chấp các hành động ứng phó của Mỹ và Anh. Lưu lượng tàu chở dầu đi qua Eo biển Bab al-Mandab từ ngày 13-17/1 đã giảm 58% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu từ công ty tư vấn Vortexa.
Trong khi đó, sản lượng dầu ở bang North Dakota của Mỹ đã giảm gần 40% do điều kiện thời tiết cực lạnh và những khó khăn trong hoạt động vận hành.
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Nhiều thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 19/1, sau khi sự khởi sắc do nhóm công nghệ dẫn dắt trên Phố Wall trước đó đã xoa dịu những lo ngại rằng Fed có thể sẽ không sớm hạ lãi suất, dù những vấn đề kinh tế của Trung Quốc đã đè năng lên các thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và Thượng Hải (Trung Quốc).
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo ghi thêm đến 1,4% lên 35.963,27 điểm, nhờ đồng yen yếu sau số liệu cho thấy lạm phát tại Nhật Bản chậm lại đã giảm áp lực thay đổi chính sách tiền tệ đối với ngân hàng trung ương nước này. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney, Seoul, Mumbai, Singapore và Bangkok.
Tuy nhiên, những lo ngại về kinh tế Trung Quốc tiếp tục tác động đến các thị trường Thượng Hải và Hong Kong, với các chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng đồng loạt giảm 0,5% xuống các mức lần lượt 2.832,28 điểm và 15.308,69 điểm.
Các số liệu lạm phát và việc làm của Mỹ và những bình luận của các quan chức Fed, cùng căng thẳng địa chính trị gia tăng đã đè nặng lên thị trường chứng khoán trong tháng Một, qua đó chấm dứt đà khởi sắc cuối năm ngoái.
Gần đây nhất, số liệu được công bố ngày 18/1 cho thấy số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng chậm lại, cho thấy Fed có thể sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian nữa để đảm bảo lạm phát không tăng trở lại.
Với số liệu mới nhất này, giới giao dịch đã hạ dự đoán vè khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng Ba tới từ 80% trong tuần trước xuống hơn 50%. Các bình luận nói trên của Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta càng đẩy lùi khả năng Fed sớm hạ lãi suất.