Ngành thuế nói gì về ‘khống chế chi phí lãi vay’ gây khó doanh nghiệp?

Trước ý kiến một số doanh nghiệp trong nước phản ánh quy định khống chế chi phí lãi vay khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến Nghị định 20/2017/NĐ-CP khiến họ gặp khó, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề này. 

Chú thích ảnh
Sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 20 để gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN.

Thưa ông, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được ngành thuế ví là công cụ pháp lý mạnh mẽ trong đấu tranh chống chuyển giá, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Vậy sau 2 năm kết quả thực hiện ra sao?

Đến nay, số lượng doanh nghiệp tự nguyện kê khai giao dịch liên kết đã tăng lên qua các năm. Các đơn vị đã có thay đổi rõ rệt về nhận thức, tăng tính tự giác tuân thủ trong việc kê khai về đối tượng áp dụng và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. 

Qua hai năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm nay, toàn ngành đã thanh tra, kiểm tra và truy thu trên 41.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 5.000 tỷ đồng, giảm lỗ 86.000 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết phát huy hiệu quả, truy thu trên 1.400 tỷ đồng, giảm lỗ trên 13.700 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 12.000 tỷ đồng.

Nghị định số 20 được nhìn nhận là khung pháp lý cao với nội dung cụ thể, chi tiết hơn so với các quy định trước đây. Mặt khác các nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục được quy định đã theo sát các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đặc biệt, trách nhiệm của các doanh nghiệp cũng như của cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết cũng được quy định cụ thể hơn, tạo cơ sở pháp lý trong việc hạn chế, ngăn chặn hành vi chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp để trốn thuế, tránh thuế.

Quy định về khống chế chi phi lãi vay có tác động rao sao đến các doanh nghiệp, thưa ông?

Trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp kê khai có phát sinh giao dịch liên kết phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay/EBITDA (Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và các khoản khấu hao) vượt ngưỡng 20% (hơn 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và trên 250 doanh nghiệp nội địa).

Khoản chi phí lãi vay bị loại khỏi chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của số doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng/năm. Trong số đó, khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ ở mức trên 10.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều có quy mô khoản vay lớn, thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện có hoạt động liên doanh liên kết khá cao. Điều đó cho thấy, việc quy định tỷ lệ 20% EBITDA là có căn cứ thực tiễn.

Như vậy có thể thấy, một số ít doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng hội nhập, còn sử dụng nhiều vốn vay mà không sử dụng các phương thức huy động tài chính từ các nguồn an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này có thể gây ra hệ lụy không chỉ cho doanh nghiệp và còn cho cả nền kinh tế nên quy định này sẽ có tác động đến nhận thức và định hướng cho doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp để phát triển bền vững hơn.

Trước ý kiến của  một số doanh nghiệp đối với quy định khống chế chi phí lãi vay, quan điểm của ngành thuế sẽ như thế nào?

Thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã nhận được một số ý kiến của một số doanh nghiệp liên quan đến việc áp dụng Khoản 3, điều 8, Nghị định 20. Một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản có có vốn chủ sở hữu thấp, chủ yếu hoạt động bằng vốn vay và vay bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức công ty mẹ đi vay để cho các công ty con vay lại. Việc huy động vốn như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với nền kinh tế và ảnh hưởng căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp, do đó cần phải có biện pháp quản lý và quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ tại Nghị định 20 là một công cụ như vậy. 

Một số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải điện; kinh doanh chứng khoán; kinh doanh đa lĩnh vực … cũng có kiến nghị một số giải pháp để tạo điều kiện cho đơn vị tiếp tục sử dụng các công cụ tài chính như lãi vay trong quá trình trung chuyển vốn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định 20, trong đó đã nêu những đề xuất, những cách thức giải quyết. Bộ Tài chính đang xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 20. Ngành thuế đã ghi nhận ý kiến đóng góp của các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp về Nghị định số 20 nói chung và Khoản 3 Điều 8 nói riêng và sẽ báo cáo Chính phủ tại dự thảo Nghị định trên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có vướng mắc trong quá trình khai quyết toán thuế năm, trong đó có yếu tố loại trừ chi phí lãi vay theo mức trần khống chế làm tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản có thể có nhiều chi nhánh, hoặc hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con. Khi công ty mẹ điều hành công ty con trong cùng hệ thống, sẽ có giao dịch liên kết. Khi có giao dịch liên kết thì bất cứ khoản vay nào, kể cả vay của cổ đông, vay dưới hình thức phát hành trái phiếu, vay tín dụng… đều bị khống chế 20%.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở xã hội, hiện nay có chính sách ưu đãi thuế (nộp thuế TNDN 10%), được vay nguồn vay ưu đãi của Chính phủ thông qua ngân hàng. Vấn đề hiện nay là khi doanh nghiệp được vay ưu đãi nhưng bởi vì hầu hết các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội có vốn mỏng nên họ vay từ các nguồn vay ưu đãi khác. Khi vay, tỷ lệ lãi vay sẽ vượt trần 20%. Theo Nghị định 20, số vượt trần này, cơ quan thuế phải loại trừ khỏi chi phí tính thuế. Điều này có nghĩa doanh nghiệp vay thực, chi phí thực, nhưng không được tính chi phí đầu vào để xác định giá trị tính thuế, mà phải nộp thuế TNDN 10% trên chi phí lãi vay vượt quá trần 20% bị loại ra khỏi chi phí đó”, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nói.

 

Minh Phương (thực hiện)/Báo Tin tức
Khống chế tỷ lệ lãi vay có gây khó cho doanh nghiệp giao dịch liên kết?
Khống chế tỷ lệ lãi vay có gây khó cho doanh nghiệp giao dịch liên kết?

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) có hiệu lực từ ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Hệ thống quy định pháp luật này nhằm đưa Việt Nam tiến gần các chuẩn mực quốc tế, gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống tránh thuế. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt đã gặp khó khi áp dụng Nghị định này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN