Kỳ vọng xu hướng hồi phục tiếp tục trong tháng cuối năm
Theo ông Đinh Quang Hinh, bước sang tháng 12, kỳ vọng xu hướng chung của thị trường vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỷ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt.
Điều này đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 tới và nguồn cung USD trong nước cải thiện đáng kể dịp cuối năm.
Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm để phục vụ mua sắm hàng hóa trong nước, trả lương thưởng cho người lao động… Điều này cùng với giải ngân vốn FDI duy trì xu hướng tích cực và lượng kiều hối chảy về nước dịp cuối năm sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá.
Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể chuyển hướng sang các mục tiêu khác là hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng nhằm tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm nay là 15%.
“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư cho năm tới, ưu tiên các nhóm ngành được kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý VI như công nghệ, logistic, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng”, ông Hinh khuyến nghị.
Về diễn biến thị trường, nối tiếp đà phục hồi cuối tuần trước, các chỉ số chứng khoán trong nước duy trì đà phục hồi tích cực trong tuần này và VN-Index đã lấy lại được mốc 1.250 điểm.
Đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế. Cụ thể, áp lực tỷ giá phần nào hạ nhiệt trong tuần qua khi chỉ số DXY (chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với tiền tệ khác) điều chỉnh về quanh mức 106 sau khi đồng yen Nhật Bản tăng mạnh do kỳ vọng Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản sẽ tiến hành tăng lãi suất trong các cuộc họp tới sau thông tin lạm phát nước này vượt mốc 2%.
Cùng đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống dưới 5% sau những động thái hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Thông tin về tăng trưởng tín dụng đạt 11,12% tính đến ngày 22/11 cũng củng cố cho triển vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 14-15%, qua đó hỗ trợ cho triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý cuối năm.
Thông tin tích cực khác bao gồm việc Quốc hội đưa phân bón quay lại chịu thuế giá trị gia tăng 5% và khối ngoại quay trở lại mua ròng đã thúc đẩy xu hướng phục hồi trên diện rộng của nhiều nhóm ngành.
VNDirect cho rằng, thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tạo ra cơ hội và rủi ro cho Việt Nam.
Mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đối với Mỹ, việc tăng thuế có thể làm gia tăng lạm phát, giảm nhu cầu nội địa, dẫn đến tăng trưởng GDP Mỹ được dự báo giảm 1%, VNDirect tin rằng vị thế thương mại của Việt Nam, với Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 29% xuất khẩu, có thể được củng cố, thậm chí là gia tăng thị phần.
Tác động từ việc bị áp thuế quan bổ sung (nguy cơ tiềm tàng) sẽ khác nhau, phụ thuộc vào từng mặt hàng, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng đó và mức độ cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế nội địa Mỹ hoặc các đối thủ xuất khẩu khác trong cùng phân khúc.
VNDirect đánh giá tác động của việc tăng thuế đối với sáu nhóm hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Mỹ, gồm: sản phẩm điện tử, dệt may và giày dép, máy móc và thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản và sắt thép. Các sản phẩm này chiếm gần 80% giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam trong năm 2023.
VNDirect tin rằng trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng do áp lực lạm phát cao hơn, các sản phẩm xuất khẩu phục vụ doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và việc các quy định hạn chế được gỡ bỏ
Chuyên gia từ VNDirect cũng tin rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong năm 2025 dựa trên nội lực đã được củng cố trong nhiều năm qua. “Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống 6,6% từ mức 6,9% trước đó để phản ánh tác động tiềm tàng của việc gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại trên toàn cầu và việc đồng USD neo cao”, VNDirect nhận định.
Theo VNDirect, áp lực tỷ giá tăng cao do đó, các nhà điều hành cần theo dõi chặt biến động tỷ giá, đặc biệt vào thời điểm cuộc họp của Fed vào giữa tháng 12 năm 2024 và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Tuy vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức cao đạt 23,3 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024 (tăng 8,8% so với cùng kỳ), FDI thực hiện tăng 8,8% và dòng kiều hối dồi dào vào cuối năm được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ đồng VNĐ.
Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) nhận định, VN-Index hiện tại đang vận động trong xu hướng đi ngang với biên độ 1.200 - 1.300 điểm. Với nỗ lực hồi phục trong những phiên cuối tháng, nhiều khả năng VN-Index sẽ có xu hướng tăng ngắn.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường mở ra nhiều cơ hội tốt khi vẫn đang trong vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn so với qui mô nền kinh tế, với tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 6,5-7%.
Xu hướng ngắn hạn, VN-Index tiếp tục phục vượt lên đường xu hướng giảm giá ngắn hạn nối các vùng giá cao tháng 10-11/2024, hướng đến vùng giá 1.255-1.260 điểm tương ứng giá trung bình 200 phiên, cũng như vùng giá cao nhất năm 2023. Đây là vùng kháng cự mạnh, quan trọng hiện nay. Hỗ trợ gần nhất quanh 1.240 điểm. VN30 cũng đang xu hướng giảm giá ngắn hạn.
Xu hướng trung hạn, VN-Index duy trì trong kênh tích lũy rộng tính từ đầu năm đến nay trong vùng 1200 - 1300 điểm, mở ra triển vọng quay trở lại vùng giá 1.300 điểm khi xu hướng ngắn hạn tăng trưởng trở lại.
Thực tế, chứng khoán Việt Nam hồi phục tích cực trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới đi lên trong tuần qua.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tháng khởi sắc mạnh mẽ nhất trong một năm khi các chỉ số chính đồng loạt tăng điểm.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq tăng lần lượt 5,7% và 6,2% trong tháng 11/2024, đều là các mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2023. Trong khi đó, cũng trong tháng 11/2024, chỉ số Dow Jones ghi nhận mức tăng tính theo điểm lớn nhất kể từ tháng 10/2022 và mức tăng tính theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng 11/2023.
Tính cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,06%, Nasdaq tăng 1,13% và Dow Jones tăng 1,39%.
Kết thúc phiên cuối tuần 29/11, trên Phố Wall, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã cùng lập đỉnh kỷ lục nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ như Nvidia, trong khi lĩnh vực bán lẻ thu hút sự chú ý khi mùa mua sắm lễ hội bắt đầu.
Khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 0,56% lên 6.032,44 điểm, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,42% lên 44.910,65 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,83% lên 19.218,17 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 29/11, khi các nhà giao dịch cân nhắc triển vọng kinh tế dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiệm kỳ hai.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 0,4% xuống .208,03 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,3% lên 19.423,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,9% lên 3.326,46 điểm.
Thị trường Hong Kong và Thượng Hải tăng điểm sau khi Chính phủ Trung Quốc tiến hành cuộc họp để thảo luận về kế hoạch thúc đẩy mức tiêu dùng đang sụt giảm, mục tiêu chính của nước này nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các thị trường khác ở châu Á-Thái Bình Dương như Sydney, Seoul, Singapore, Manila, Jakarta và Đài Bắc chìm trong sắc đỏ, trong khi Wellington, Mumbai và Bangkok tăng nhẹ.
Các nhà giao dịch đang theo dõi những diễn biến tại Mỹ, khi ông Trump đưa ra các lựa chọn cho các vị trí trong chính phủ và các tuyên bố về chính sách; trong đó có việc áp mức thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc, Canada và Mexico ngay ngày đầu tiên nhậm chức.
Mọi sự chú ý cũng được hướng tới Nhật Bản, khi số liệu cho thấy giá tiêu dùng ở Tokyo tăng 2,6% trong tháng 11/2024, cao hơn so với mức tăng trong tháng 10/2024 và cao hơn nhiều so với dự kiến. Số liệu mới đưa đến nhận định Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay.
Khả năng BoJ tăng lãi suất đã tăng nhanh trong những tuần gần đây sau khi Thống đốc Kazuo Ueda cho biết, BoJ sẽ phải thắt chặt chính sách nếu tình hình nền kinh tế đúng như dự báo.