Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9 (từ 24 – 28/9), VN - Index tăng 14,16 điểm lên 1.017,13 điểm, trong khi HNX - Index tăng 0,48 điểm lên 116,28 điểm.
Nhà đầu tư đã mạnh tay giải ngân, khiến thanh khoản tăng vọt, trung bình khoảng 5.800 tỷ đồng mỗi phiên trên cả hai sàn. Thị trường đang có những diễn biến tích cực khi dòng tiền liên tục luân chuyển giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các nhóm cổ phiếu còn lại.
Mặc dù áp lực bán gia tăng mạnh sau từng phiên, nhưng bên mua vẫn hấp thụ mạnh khối lượng cổ phiếu bán ra, giúp thị trường giữ được xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng giao dịch rất mạnh theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 428,13 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 467,6 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 39,55 tỷ đồng.
Về thông tin vĩ mô trong nước, hiện tại thị trường có những thông tin tích cực hỗ trợ như GDP quý III tăng 6,88% so với cùng kỳ 2017.
Một thông tin nặng ký giúp thị trường tăng trưởng trong tuần qua và có thể là tiếp tục xu hướng tăng trong tuần tới là việc thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell (nhà cung cấp và quản lý một loạt các chỉ số, dữ liệu và giải pháp phân tích) đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Hiện tại, tuần tới cũng chưa có thêm thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Những thông tin có thể tác động xấu đến thị trường thì đã xuất hiện trong tuần qua như việc Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay, hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Cụ thể, tuần qua Mỹ chính thức áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc cũng đáp trả với việc áp mức thuế tương ứng với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, thị trường vẫn tăng trưởng mạnh cả về điểm số và thanh khoản.
Các nhóm cổ phiếu chính vẫn đang giao dịch tích cực, dòng tiền nội và ngoại vẫn đổ mạnh vào thị các nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là nhóm cổ phiếu trụ cột.
Tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VHM tăng 4,4%, NVL tăng 10,8%, VRE tăng 10,4%, HPG và HSG đều tăng 2,4%, SAB tăng 1,6%, FPT tăng 0,8%,... Ở chiều giảm giá, các mã chỉ có mức điều chỉnh nhẹ như: VIC giảm nhẹ 0,3%, VNM giảm 0,4%,...
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang tích cực. Hơn nữa việc khối ngoại đang đẩy mạnh mua ròng cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là “điểm tựa” vững chắc cho nhóm cổ phiếu này. Cùng với xu hướng thị trường chung, có lẽ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có diễn biến tích cực trong tuần giao dịch tới.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen; trong đó, sự tích cực thuộc về những cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa nhỏ hơn với sự tăng giá của các mã như: VPB tăng 1,9%, TCB tăng 3%, MBB và EIB đều tăng 0,7%, STB tăng 6,3%, SHB tăng 2,2%
Các mã vốn hóa lớn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua “rơi” vào trạng thái điều chỉnh giảm như: VCB giảm 2,5%, BID giảm 0,3%, CTG giảm 2%, ACB giảm 0,9%,…
Như vậy, diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa hẳn là tiêu cực, điều quan trọng là dòng tiền vẫn có sự luân chuyển tốt giữa các nhóm cổ phiếu, nên có lẽ nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần tới vẫn có cơ hội tăng trưởng cùng thị trường chung.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tuần qua tăng mạnh mẽ với PLX tăng 0,3%, PVD tăng 15,6%, PVB tăng 8,4%, PVC tăng 6,6%, BSR tăng 6,9%, OIL tăng 2%, POW tăng 6,9%,...
Sở dĩ nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh như vậy là do hưởng lợi từ sự đi lên của giá dầu thế giới. Tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 5%, qua đó góp phần nâng tổng mức tăng trong tháng 9 lên 6,8% và tăng 4,1% trong quý III/2018. Còn giá dầu WTI tăng 3,5% trong tuần qua, giúp nâng tổng mức tăng lên 4,9% trong tháng 9.
Giới phân tích cho rằng việc chỉ số USD Index (Chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với một nhóm các đồng tiền của các quốc gia hàng đầu thế giới đồng thời là đối tác thương mại lớn của Mỹ) tăng nhẹ có thể khiến giá dầu điều chỉnh giảm. Hơn nữa, quan sát diễn biến giao dịch phiên cuối tuần có thể thấy nhiều mã cổ phiếu dầu khí đang “rơi” vào trạng thái điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, yếu tố tác động mạnh mẽ nhất tới thị trường có lẽ là dòng tiền nội và ngoại đang chảy mạnh vào thị trường, chính vì vậy nhiều công ty chứng khoán cho rằng, xu hướng tăng của thị trường chưa kết thúc.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội: "Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về tăng nhiều hơn. Dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 1 -5/10), VN - Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với mục tiêu gần nhất là ngưỡng kháng cự 1.025 điểm (MA200 ngày)."
Công ty cổ phần chứng khoán Sacombank nêu quan điểm: "Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số vẫn duy trì tích cực với thanh khoản cũng ngày một được cải thiện, thị trường đang hướng tới mốc kháng cự tiếp theo tại 1.025 - 1.035 điểm."
Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt nhận định: "Diễn biến tích cực trong 2 phiên cuối tuần đã đưa chỉ số VN - Index tiếp cận vùng kháng cự 1.024 – 1.027 điểm, áp lực bán có thể gia tăng. Trong tuần tới, thị trường nhiều khả năng vẫn duy trì xu hướng tăng điểm trong ngắn hạn với các phiên tăng giảm đan xen.".