Theo ông Võ Hữu Hiển, 5 năm qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, công tác quản lý vay và trả nợ nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần gia tăng dư địa cho chính sách tài khóa (CSTK), giúp nền kinh tế Việt Nam thêm trợ lực trong bối cảnh khó khăn.
Quy trình QLNC đã được kiểm soát chặt chẽ, từ việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, xử lý rủi ro đến thực hiện các nghiệp vụ QLNC, tạo chuyển biến tích cực, giảm dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP cuối 2020; nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP. Đồng thời, tốc độ tăng quy mô nợ công được kiểm soát, giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,6%/năm năm 2020, khoảng 24,1%/năm giai đoạn 2016 - 2020; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đạt 22,4% so thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, bảo đảm duy trì trong giới hạn nợ được Quốc hội cho phép và bảo đảm an ninh tài chính Quốc gia.
Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ trong những năm qua thực hiện chặt chẽ trong phạm vi dự toán được giao, bảo đảm đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng cam kết quốc tế, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm Quốc gia.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục và quy định gây cản trở phát triển để thu hút có hiệu quả nguồn lực cho phát triển, bảo đảm an toàn nợ công. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền các công cụ QLNC như: Chiến lược nợ công 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025; chương trình QLNC 3 năm và kế hoạch mức vay, trả nợ công hàng năm theo quy định của pháp luật về QLNC song song với triển khai nhiệm vụ huy động vốn vay theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.