Cụ thể, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,6%. Khép lại phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 85,58 điểm lên mức tham chiếu 22.262,60 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp chỉ số Nikkei 225 tăng điểm.
Tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tăng 0,28% lên 2.114,09 điểm, ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp của thị trường này. Còn tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 cũng tăng 0,58%, hay 33,30 điểm, lên 5.758,40 điểm.
Trong khi đó, hai chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, gồm Shanghai Composite và Hang Seng, đều đi xuống trong phiên giao dịch này, do các nhà đầu tư bán chốt lời và ngóng đợi các thông tin về cuộc gặp cuối tuần này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina.
Theo đó, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 231,53 điểm xuống 26.451,03 điểm, trong khi tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 34,29 điểm và đóng phiên ở mức 2.567,44 điểm.
Trên thị trường tiền tệ châu Á, đồng yen Nhật Bản tăng giá so với phiên giao dịch trước đó. Cụ thể, đồng USD giao dịch ở mức 113,25 yen/USD, cao hơn so với mức 113,58 yen/USD trên thị trường New York trước đó.
Đồng USD và lãi suất trái phiếu của Mỹ đều giảm sau khi Chủ tịch FED Powell cho hay mức lãi suất hiện vẫn ở mức thấp trong lịch sử, nhưng chỉ thấp dưới một chút so với mức trung lập, tức là ở tỷ giá không giúp kích thích cũng như không kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Giới đầu tư coi phát biểu của ông Powell là tín hiệu khả năng FED đang hướng tới chấm dứt chu kỳ thắt chặt lãi suất 3 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia tại tổ chức RBC Capital Markets cho rằng “các thị trường đang diễn giải quá đà phát biểu của ông Powel về mức lãi suất hiện chỉ thấp hơn một chút so với mức trung lập” và đánh giá thấp khả năng bình thường hóa chính sách tiền tệ của FED trong năm tới.