Vàng hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 5 tháng
Trong phiên chiều 24/5, giá vàng tại thị trường châu Á chạm mức thấp nhất trong hai tuần và đang hướng đến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 5 tháng, khi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất dịu bớt.
Cụ thể, giá vàng giao ngay có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/5 trước khi phục hồi về mức 2.336,86 USD/ounce. Trong phiên 20/5, giá vàng đã lên mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce, song sau đó, giá kim loại quý này đã giảm khoảng 5%.
Theo ông Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại nền tảng tài chính Tastylive, những phát biểu cứng rắn của các quan chức Fed tại cuộc họp chính sách tháng Năm cho thấy các nhà hoạch định chính sách Fed chưa tự tin cắt giảm lãi suất. Điều này đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD lên cao hơn và gây sức ép đối với vàng. Các nhà giao dịch ngày càng hoài nghi về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất nhiều lần trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Spivak lưu ý hoạt động mua vàng dự trữ của Trung Quốc vẫn là một xu hướng đáng chú ý. Động thái mua vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn là nhân tố giúp hạn chế đà giảm của giá vàng.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 87,5 - 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu châu Á vẫn vững
Chiều 24/5, giá dầu châu Á vẫn vững, khi các nhà đầu tư xem xét những bình luận mới nhất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về chính sách lãi suất.
Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 5 xu Mỹ lên 81,41 USD/thùng; còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2 xu Mỹ lên 76,89 USD/thùng.
Trong phiên 23/5, giá dầu thế giới giảm phiên thứ tư liên tiếp với giá dầu Brent xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024 và giá dầu WTI xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Tuần này, giá dầu Brent đang hướng tới mức giảm hơn 3% và giá dầu WTI hướng tới mức giảm gần 4%.
Nhà phân tích thị trường Priyanka Sachdeva tại công ty môi giới Phillip Nova, nhận định triển vọng lãi suất có thể cao hơn trong thời gian dài hơn đã đè nặng đáng kể lên giá dầu trong tuần này.
Biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed công bố ngày 22/5 cho thấy các nhà hoạch định chính sách cơ quan này đang nghi ngại liệu lãi suất hiện tại có đủ cao để chế ngự tình trạng lạm phát dai dẳng hay không.
Một số quan chức cho biết họ sẵn sàng tăng chi phí đi vay một lần nữa nếu lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách khác cho rằng khó có khả năng tăng lãi suất thêm nữa.
Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ gia tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết nhu cầu xăng tại Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng Mười Một. Các nhà phân tích của ANZ cho biết các tài xế Mỹ tiêu thụ khoảng 10% nhu cầu dầu toàn cầu. Điều này khiến mùa lái xe Hè sắp tới trở thành trụ cột cho đà phục hồi tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.
Hiện thị trường đang chờ đợi cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, gọi chung là OPEC+ vào ngày 1/6 để thảo luận về việc có gia hạn chương trình cắt giảm sản lượng dầu 2,2 triệu thùng mỗi ngày hay không.
Chứng khoán châu Á đi xuống
Trong phiên chiều 24/5, thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ, theo sau đợt giảm điểm trên Phố Wall giữa mối lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 457,11 điểm (1,17%) xuống .646,11 điểm. Công ty chứng khoán Iwai Cosmo Securities cho biết thị trường Nhật Bản đi xuống sau mức tăng mạnh trong phiên trước với báo cáo khả quan từ nhà sản xuất chip Nvidia. Theo Iwai Cosmo, chỉ số Nikkei 225 có thời điểm đã giảm hơn 700 điểm, nhưng hoạt động mua vào các cổ phiếu giá trị đã giúp giảm bớt mức giảm điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 27,52 điểm (0,88%) xuống 3.088,87 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 259,77 điểm (1,%) xuống 18.608,94 điểm, ghi dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp giữa lo ngại Fed sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất.
Đợt phục hồi kéo dài nhiều tuần trên thị trường chứng khoán đã kết thúc trong vài ngày qua do hoạt động bán ra chốt lời và triển vọng hạ lãi suất mờ dần.
Theo biên bản công bố hôm 22/5 của cuộc họp gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Fed nhìn chung cảm thấy rằng các số liệu gần đây không đủ để củng cố niềm tin rằng lạm phát đang tăng bền vững ở mức 2%.
Fed cho biết, báo cáo lạm phát đáng thất vọng cùng số liệu kinh tế mạnh mẽ trong quý I/2024 khiến họ kết luận rằng “sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây” để giới chức tin tưởng lạm phát đang giảm dần.
Chuyên gia Vishnu Varathan, thuộc ngân hàng Mizuho Bank, cho rằng các thị trường đang lo lắng về việc Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài. Triển vọng lãi suất duy trì ở mức cao nhất trong hai thập kỷ trong thời gian của năm đã gây áp lực lên đồng USD.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 19,10 điểm (1,49%) xuống 1.261,93 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 5,19 điểm (2,10%) xuống 241,72 điểm.