Trao đổi hành lang Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn.
"Tổng đầu tư xã hội tăng cao, có sự tăng trưởng bền vững ở các lĩnh vực mặc dù đầu tư công không tăng, không có sự tăng trưởng đột biến của khu vực đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy chúng ta đã phát huy được nội lực, đặc biệt là tạo được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khi các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng bỏ tiền đầu tư sẽ tạo sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế. Do vậy, để tạo thêm sức bật cho việc tăng trưởng kinh tế, thời gian tới cần phải tiến hành cải cách thể chế, tạo niềm tin và môi trường cạnh tranh tốt. Cần tạo môi trường để doanh nghiệp tư nhân phát triển, tạo sân chơi để các nhà đầu tư trong nước cạnh tranh lành mạnh. Đơn cử như thời gian qua, Chính phủ đã quyết định ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, điều này cho thấy Chính phủ đang đặt rất nhiều niềm tin vào khu vực tư nhân, là động lực để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Bùi Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế trong năm nay. Đặc biệt, trong kế hoạch kinh tế - xã hội của năm 2020, Việt Nam phải tăng trưởng trên 6,8% và kế hoạch tới 2021 - 2025 dự kiến tăng trưởng trên 6,8% để có thể bắt kịp được các nước trên thế giới. Muốn như vậy cần phải tập trung giải quyết những điểm nghẽn và phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong những động lực quan trọng đó là khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 120.000 doanh nghiệp được thành lập, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô nhỏ. Do đó phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn hơn, dài hạn hơn để có những doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn. Hiện các tập đoàn tư nhân mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn thì kinh tế vĩ mô phải ổn định, kiểm soát được lạm phát, kéo giảm được lãi suất và đảm bảo lãi suất ổn định… như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư đầu tư dài hạn được.
Hiện nay doanh nghiệp đang chịu chi phí ngoài sản xuất, chi phí hành chính, chi phí giao thông rất lớn. Vì vậy, đầu tư công nên tập trung cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giải quyết điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển.