Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thị trường chứng khoán góp phần phục hồi phát triển kinh tế xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải chống được lạm phát. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, nguyên liệu phụ thuộc nước ngoài phải theo dòng chảy giá cả nước ngoài như thép, xăng dầu…

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình trước Quốc hội sáng 2/6. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Sáng 2/6, giải trình trước Quốc hội về điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thị trường chứng khoán góp phần không nhỏ vào việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.  

Bộ trưởng cho biết, năm 2021 là năm đại dịch COVID-19 diễn biến khắc nghiệt, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, nỗ lực của nhân dân, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi.

GDP tăng 2,58%, thu ngân sách vượt 16,8%, CPI tăng 1,84%. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài lần lượt giảm còn 43%, 39% và % GDP, bội chi ngân sách còn 3,41% GDP.

“Chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đẩy đủ để mua vaccine, chống dịch thành công, hỗ trợ kinh tế, tháo gỡ khó khăn. Đây là những thắng lợi hết sức to lớn của năm vừa qua”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.  

Cũng theo Bộ trưởng, thu ngân sách đạt 1.5.000 tỷ đồng, vượt dự toán 16,8%, vượt gần 3,9% so với thực hiện năm 2020. Trong đó, chủ yếu là nguồn thu từ đất và tiền dầu thô. Thu từ thuế sử dụng đất cả nước được 185.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng thu ngân sách thực hiện. Thu từ dầu thô được 44.000 tỷ đồng, bằng 2,9% tổng thu thực hiện. Như vậy hai nguồn thu này chiếm gần 14% tổng thu thực hiện.  

“Nghĩa là năng lực sản xuất kinh doanh của ta vẫn tốt. Trong số vượt thu 225.000 tỷ đồng, có 74.000 tỷ đồng thu từ tiền sử dụng đất và 21.000 tỷ vượt thu từ dầu thô. Như vậy 45% số vượt thu từ hai nguồn này, còn lại 55% vượt thu là từ sản xuất kinh doanh, nên đại biểu có thể yên tâm”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.  

Về thu thuế chuyển nhượng bất động sản, có đại biểu cho rằng sẽ ảnh hưởng đến nhân dân. “Chúng tôi xin giải trình, theo các quy định của luật thuế và Nghị định hướng dẫn, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng đúng mức hai bên đã thỏa thuận. Nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế. Thời gian qua có sự trốn thuế, trục lợi về thuế nên chúng tôi đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt việc thu thuế đúng giá trị mua – bán”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.  

Cũng theo Bộ trưởng, trong 5 tháng 2022 tổng thu từ giao dịch bất động sản đạt 16.200 tỷ đồng, tức là vượt thu so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỷ đồng. Có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại là 10 tỷ đồng, gấp 20 lần, có trường hợp gấp 40 lần, còn bình quân gấp 6 lần. Đây là vấn đề cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Về phía cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã có công điện chỉ đạo nghiêm cấm việc cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Vấn đề hậu kiểm sẽ tránh được sau này xảy ra các vụ án hình sự.

“Ví dụ người bán nhà trốn thuê kê khai hai hợp đồng, sau này bị phát hiện sẽ mắc tội trốn thuế, việc làm này hoàn toàn đúng pháp luật, các cơ quan cùng giám sát. Nếu cơ quan thuế nhũng nhiễu, bắt tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm. Sắp tới, chúng tôi đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều hành, dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản”, Bộ trưởng cho hay.  

Về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho rằng, vừa qua thị trường chứng khoán rất tích cực. So với thị trường chứng khoán các nước tiên tiến đã có hàng trăm năm, thì thị trường chứng khoán của Việt Nam mới 22 năm. Đây là kênh huy động đầu tư trung và dài hạn. Với thị trường cổ phiếu, năm 2021 đạt được 7.774.000 tỷ đồng, bằng 92% GDP, tăng trưởng 46,7% so với năm 2020, bình quân giao dịch trên 26.000 tỷ đồng mỗi phiên.  

Thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 đạt 1.374.000 tỷ, tương đương 15% GDP, so với khu vực thì vẫn còn thấp, như Nhật Bản là 17,4%, Hàn Quốc 86,4%, Trung Quốc 35,6%, Thái Lan gần 25%, Singapore 36%, Malaysia 56%,… cho thấy ta có tiềm năng rất tốt để huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp. Hiện mới chỉ chiếm 10% vốn tín dụng các ngân hàng.  

Mặc dù còn một số vụ việc sai phạm vừa qua đã vi phạm Luật Chứng khoán và các Nghị định liên quan như thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu… đã được các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh; nhưng theo Bộ trưởng, thị trường chứng khoán của ta thời gian qua đã góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

 “Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã có 5 công bố trên phương tiện truyền thông, đã có nhiều bài báo nói lên rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.  

Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Ủy ban chúng khoán và các cơ quan tiến hành kiểm tra phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính tiếp tục có công điện nữa và ngày 1/4/2022 kiểm tra các công ty kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của các công ty phát hành và đã phát hiện một số vi phạm.  

“Chúng tôi tin tưởng thị trường chứng khoán vẫn là nơi huy động vốn trung và dài hạn tốt cho nền kinh tế. Tới đây, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 để thực hiện minh bạch hơn, tốt hơn để bịt lỗ hổng trong thị trường chứng khoán. Đặc biệt là phải sửa Luật Chứng khoán, vì Luật Chứng khoán không khống chế điều kiện phát hành, ví dụ doanh nghiệp lỗ cũng được phát hành, không khống chế mục đích phát hành, không quy định về vốn, nợ, chỉ tiêu nợ trên vốn chủ sở hữu… kiến nghị Quốc hội sửa Luật Chứng khoán, trước mắt sửa Nghị định 153”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói.  

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, ngoài giải pháp tập trung vào chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá, thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tái cơ cấu, tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Có như vậy tạo ra được sản phẩm, nâng cao được thu nhập của người dân và doanh nghiệp. Từ đó mới chống được lạm phát.  

Về vấn đề giá xăng dầu, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến cho rằng phải giảm giá. Theo Bộ trưởng: "Chúng tôi cho rằng, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Muốn giảm giá xăng dầu phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Thuế trong giá xăng ở các nước khoảng 45%, còn của ta chỉ chiếm 29 - 30%. Ví dụ xăng A92, các loại thuế trong giá xăng này chỉ chiếm 28%, vừa qua ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng là thẩm quyền của Quốc hội. Khi giảm thuế thì chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khoá, giảm thuế thì phải cắt giảm các khoản chi, mà dự toán chi đã được duyệt, nhưng với nước ta xuất khẩu dầu thô, mỗi năm trên 8 triệu thùng, giá lên cũng bù đắp một phần. Tuy nhiên giảm thuế là một biện pháp chúng tôi sẽ cân nhắc để đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ về giảm thuế trong giá xăng dầu.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, phải tính đến chống buôn lậu, vì giá xăng dầu của ta chênh lệch 11.000 đồng so với giá của Lào, chênh 3.000 đồng so với giá Campuchia. Tiếp nữa là phải thúc đẩy nguồn cung, tập trung nâng công suất hai nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

V.Tôn/Báo Tin tức
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao

Trình bày báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021 trước Quốc hội chiều 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Việc phân bổ kế hoạch vốn của một số bộ, ngành trung ương và địa phương còn chậm, có 9/50 Bộ và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN