Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi lợn ở nước ta chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Nếu giá trị ngành nông nghiệp hiện nay vào khoảng 1 triệu tỷ đồng thì riêng ngành chăn nuôi lợn chiếm 94.000 tỷ, gần bằng 10%.
Hiện nay thịt lợn chiếm tỷ trọng tới 70% trong cơ cấu thực phẩm về thịt của bữa ăn trong mỗi gia đình. Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn cũng là ngành giải quyết sinh kế cho 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 10.000 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngay từ khi dịch bệnh này xảy ra tại Trung Quốc ngày 23/8/2018, ngày 30/8/2018, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi đến tất cả các địa phương, các ngành yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn từ xa, kiểm soát biên giới. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công lệnh, Chỉ thị và ngày 19/9/2018 Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo cuộc họp trực tuyến có đại diện của Thú y thế giới, đại diện FAO... Cuộc họp được truyền hình trực tuyến đến các địa phương nhằm đưa ra cảnh báo và xây dựng kịch bản ứng phó.
Bộ NN&PTNT và ngành chức năng đã tổ chức diễn tập tại Lào Cai nhằm nhận dạng, ngăn ngừa tình trạng lan truyền dịch bệnh. Tất cả các địa phương đã cùng vào cuộc. Tuy vậy, với tính chất đặc biệt nguy hiểm của bệnh dịch, với biên giới rộng giáp ranh với Trung Quốc (nơi đã xảy ra dịch) nên ngày 1/2/2019 ổ dịch đầu tiên đã xảy ra tại Hưng Yên.
“Chúng ta đã tập trung những kịch bản chuẩn bị sẵn để ứng phó, hệ thống thú y, chính quyền địa phương, nhân dân đã vào cuộc ngay từ đầu. Tuy nhiên do đặc điểm của loại vi rút này phát tán nhanh, cả nước còn 2,4 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi liền kề khu dân cư, không gian chật hẹp, tính chất lan truyền của bệnh dịch lớn nên đến nay bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hơn 300 huyện, hơn 3.000 xã với đàn lợn phải tiêu hủy 2 triệu con, bằng 117.000 tấn, chiếm 6,5% tổng đàn lợn. Đây là thiệt hại vô cùng lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Dự báo thời gian tới, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, trong khi điều kiện chăn nuôi của nhân dân nhỏ lẻ, Bộ NN&PTNT dự báo nếu không có biện pháp tích cực thì bệnh dịch sẽ tiếp tục lan ra những vùng còn lại. Đặc biệt, dịch bệnh dễ quay trở lại ở những nơi đã xảy ra ổ dịch đã qua 30 ngày không tái phát.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 60 xã của 30 huyện ở 22 tỉnh đã 30 ngày không tái phát dịch. Nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại. Thời gian gian tới, nếu không phòng trừ tốt, bệnh dịch sẽ tiếp tục lan nhanh vào những hộ chăn nuôi lớn (vừa qua chủ yếu lan truyền ở những hộ chăn nuôi nhỏ). Đây là nguy cơ rất nguy hiểm. Trước tình hình trên, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương với tinh thần “dập dịch như diệt giặc”. Phòng là chính bởi bệnh dịch này không có thuốc trừ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, người đứng đầu, cấp ủy chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt mới thành công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cố gắng ngăn chặn không để bệnh dịch này lây lan bằng mọi biện pháp:
Thứ nhất là an toàn sinh học cho tổng đàn và khu chăn nuôi không để dịch lan tỏa.
Thứ hai, các hộ chăn nuôi lớn gia cố thêm chuồng trại, đảm bảo an toàn sinh học ở những nơi chưa xảy ra dịch, quyết liệt bảo vệ đàn giống gốc để sau này có điều kiện thì tái đàn. Cùng với đó là tăng cường công tác thu y, dùng mọi biện pháp ngăn chặn.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT cho rằng để giảm thiệt hại về kinh tế, hiện nay vẫn còn gần 94% đàn lợn sạch không bị bệnh dịch nên các địa phương tiếp tục tuyên truyền giữ đàn. Đây vừa là giải pháp kỹ thuật vừa giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và cũng giúp cho thị trường thịt lợn không bị xuống giá lúc này. Và đề phòng xảy ra sốt giá trong quý 3, quý 4, khủng hoảng thiếu trong năm nay.
Theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 30/5, Bộ Công Thương đã cùng Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp, các Sở Công Thương có biện pháp khuyến khích dự trữ thịt đông lạnh. “Nếu các doanh nghiệp có điều kiện cần tập trung giải pháp này, Chính phủ sẽ có các chính sách khuyến khích tăng cường dự trữ thịt đông lạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo không tăng đàn lúc này, kể cả quy mô hộ nhỏ và hộ lớn, bởi tăng đàn lúc bệnh dịch hoành hành là nguy cơ cao sẽ thiệt hại. Tập trung thúc đẩy các nhóm tăng trưởng khu vực chăn nuôi đàn đại gia súc, chăn nuôi gia cầm, thủy sản trên cơ sở nguyên tắc tăng trưởng nhưng vẫn có liên kết để tránh rủi ro dịch bệnh, tránh bất cập về thị trường để hạn chế thiệt hại kinh tế.
Tập trung giải pháp trung hạn là nghiên cứu khoa học, tập trung giải pháp sinh học theo hướng nghiên cứu vắc xin để chống dịch bệnh. Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT tính toán để hỗ trợ người chăn nuôi.