Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN. |
* Ngày 1/12, Tỉnh ủy
Tây Ninh đã đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước năm 2017; thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng, công tác An ninh Quốc phòng năm 2018.
Các chỉ tiêu cụ thể được Tỉnh ủy Tây Ninh đề ra trong năm 2018 là: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng lên mức trên 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.600 USD; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 4% trở lên, công nghiệp tăng trên mức 14,5%, dịch vụ 6,5% trở lên. Thu ngân sách đạt 6.907 tỉ đồng (tăng 3,1% so với 2017), xuất khẩu đạt khoảng 5 tỷ USD (tăng 22% so với năm 2017), hộ nghèo phấn đấu giảm 0,5%; số lao động có việc làm tăng thêm 17.000 người, trong đó qua đào tạo chiếm 66%.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh tổ chức thực hiện tốt các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh năm 2018; tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 chương trình đột phá của tỉnh về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính, đặc biệt là 4 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017-2021 về nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp và hạ tầng giao thông...
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết: Năm 2017 tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới tỉnh đã đạt hầu hết các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm ước đạt 45.600 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng tăng 4,6%, dịch vụ tăng 2,4%, nông - lâm - thủy sản tăng 4,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.400 USD, thu ngân sách đạt 6.700 tỉ đồng. Số lao động có việc làm được tăng thêm 17.110 người. Trong năm, toàn tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh là 21/80.
* Ngày 1/12, Tỉnh ủy
Phú Yên tổ chức Hội nghị lần thứ 11, thảo luận và thông qua các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu phải thực hiện như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 8,2%, kim ngạch xuất khẩu 145 triệu USD, giải quyết việc làm cho 24.500 lao động, giảm 2,2% số hộ nghèo...
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu trên, Phú Yên cần tập trung phát huy nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có gắn với thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư phát triển đạt ít nhất 15.800 tỉ đồng.
Trong phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên đề ra 10 giải pháp trọng tâm, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh đề án tích tụ ruộng đất kết hợp hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; tạo cơ chế phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại và tạo điều kiện thuận lợi để một số tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, chế biến sản phẩm nông nghiệp; nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.
Cùng với việc nhanh chóng khôi phục lại gần 20.200 ha rừng bị thiệt hại do ảnh hưởng bão số 12, tỉnh Phú Yên tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 41,4%... Tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu, cụm công nghiệp...
Năm 2017, tỉnh Phú Yên thực hiện đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 134,6 triệu USD và giải quyết việc làm cho 24.850 lao động.
* Ngày 1/12, Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2017; thảo luận quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018, trong đó lựa chọn đẩy nhanh tiến độ triển khai các khâu đột phá về kinh tế biển và năng lượng tái tạo.
Hội nghị thống nhất các chỉ tiêu năm 2018 như sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% (theo phương pháp tính mới); GRDP bình quân đầu người đạt 37 - triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.300 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.600 tỉ đồng, tăng 8,5% so năm 2017...
Để đạt được mục tiêu, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh nền kinh tế. Tỉnh tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn gắn với liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù. Đồng thời, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thu hút, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ; thực hiện cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, Ninh Thuận chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đảm bảo quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.