Hội thảo nằm trong khuôn khổ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW khóa XI; xây dựng Báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, và chuyên gia quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, phát triển xã hội, phát triển con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, luôn là mục tiêu cốt lõi của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong suốt quá trình phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước.
Trong thời kỳ Đổi mới, cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng quan tâm thực hiện các chính sách xã hội theo phương châm "tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội", ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; không để ai bị bỏ lại phía sau. Một trong những bước quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương chính sách xã hội là việc Đảng ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Bày tỏ vui mừng khi được đồng hành, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk khẳng định, Việt Nam đã hết sức thành công trong giai đoạn phát triển 10 năm qua, nhất là công tác giảm nghèo. Theo đó, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo cùng cực từ 16,8% năm 2010, xuống còn khoảng 5% vào năm 2020, theo chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước có thu nhập trung bình thấp. "Đây là một bước cải thiện đáng kể và phần lớn là nhờ quá trình tăng trưởng kinh tế dựa trên lợi tức dân số và tỷ trọng việc làm chính thức tăng lên khi người lao động chuyển dần khỏi nền nông nghiệp năng suất thấp", bà Carolyn Turk phát biểu.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lưu ý, tình trạng lao động phi chính thức trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn ở mức khá cao. Điều này được thể hiện rõ trong dữ liệu nhân khẩu học, khi số lượng lao động trong cơ cấu dân số vàng đang dần thu hẹp, trong khi để hiện thực hóa khát vọng của Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao vào năm 2045, nền kinh tế sẽ phải đạt được mức năng suất lao động cao hơn rất nhiều so với mức năng suất từ trước tới nay. Như vậy, để đảm bảo cho con đường tăng trưởng bền vững về xã hội, đảm bảo hòa nhập xã hội, cũng như khả năng chống chịu mạnh mẽ của Việt Nam trước các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng hệ thống an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng.
Tuy nhiên, bà Carolyn Turk cũng nêu bật 3 thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong thời gian tới: lao động phi chính thức vẫn còn ở mức cao (76% tổng số lao động và khoảng 55 - 60% lao động phi nông nghiệp vẫn còn làm việc trong khu vực phi chính thức của nền kinh tế); tình trạng già hóa dân số; và những tác động của biến đổi khí hậu.
Từ những thách thức trên, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với quá trình hưu trí tự nguyện, giảm số năm người lao động đóng bảo hiểm cần thiết để nhận lương hưu, đồng thời mở rộng phạm vi bao phủ của chương trình bảo hiểm xã hội bắt buộc trong một số ngành nghề nhất định; tăng cường phân bổ nguồn lực đảm bảo các chương trình trợ giúp xã hội có thể đạt được những tác động mong muốn hơn. Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyển đổi số lĩnh vực an sinh xã hội; đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh mẽ hiện nay để cung cấp đủ nguồn tài chính cho các chương trình trợ giúp xã hội, trên cơ sở cải thiện năng suất lao động qua cải cách hệ thống giáo dục-đào tạo…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những phân tích khách quan, khoa học về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất quan điểm, định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, chính sách xã hội đã từng bước được hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả, phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nhờ đó mang lại kết quả tích cực trong giải quyết vấn đề xã hội: "Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm; đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030".
Để tiếp tục đổi mới, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh phát triển mới, các tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần có những bước đột phá toàn diện về chính sách xã hội, cả về cơ sở pháp lý, quản trị và cung cấp dịch vụ đầy đủ, chất lượng tương thích với trình độ phát triển kinh tế. Đây là việc làm rất cần thiết và chính việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội sẽ là cơ sở, điều kiện và động lực cho phát triển kinh tế.