Đây là năm thứ ba liên tiếp Bộ Ngoại giao tổ chức chương trình bồi dưỡng cao cấp, như một diễn đàn hai chiều, để Bộ Ngoại giao vừa có thể tổng hợp, chia sẻ thông tin về các thành tựu đối ngoại nổi bật của đất nước trong thời gian qua, vừa có thể lắng nghe được những trao đổi về công tác hội nhập quốc tế từ đại diện của các bộ, ngành, địa phương. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của cán bộ các bộ, ngành, địa phương đến hoạt động đối ngoại của đất nước, cũng như sự chú trọng, nâng cao năng lực phục vụ công tác hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại Khóa tập huấn, Tiến sỹ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Chương trình là sự kết hợp giữa các chuyên đề về kiến thức và kỹ năng, dưới hình thức tọa đàm, thuyết trình và chia sẻ kinh nghiệm. Chương trình tập trung vào các vấn đề quan trọng, hoạt động đối ngoại nổi bật của đất nước như: Hướng đến Đại hội Đảng XIII, Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cơ hội và thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cục diện quốc tế thời COVID-19, chủ trương, chính sách của Việt Nam trước các diễn biến mới trên Biển Đông, ứng xử truyền thông đa phương tiện trong kỷ nguyên số...
Chia sẻ tại Tọa đàm đầu tiên nằm trong chương trình Khóa tập huấn với chủ đề “Việt Nam và những dấu ấn trong vai trò Chủ tịch ASEAN”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam khẳng định, dù phải đối mặt với những khó khăn vẫn luôn tồn tại như tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đến khu vực hay thách thức mới như đại dịch COVID-19, Việt Nam – trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã góp phần duy trì, củng cố tinh thần đoàn kết, gắn kết, và thích ứng của ASEAN. Bên cạnh đó, nhiều nội dung quan trọng đã đạt được, từ rà soát lại kết quả hoạt động của Cộng đồng ASEAN trong 5 năm qua, đến đề xuất kế hoạch triển khai việc hình thành tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19, thành lập trung tâm ảo ASEAN BioDioaspora (Phân tích dữ liệu, cung cấp các đánh giá rủi ro quốc gia, lập kế hoạch ứng phó toàn khu vực), chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, … Những dấu ấn này, giúp cho Việt Nam đạt kết quả mong muốn của Năm Chủ tịch ASEAN, đồng thời nâng cao được uy tín trong khu vực.
“Đề án Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho CCVC làm công tác Hội nhập quốc tế” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2015 nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế của cả nước. Trong đó, Bộ Ngoại giao được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai tổ chức các khóa bồi dưỡng giảng viên; các khóa bồi dưỡng kiến thức thuộc lĩnh vực chính trị quốc tế, chính sách đối ngoại Việt Nam và các khóa bồi dưỡng về kỹ năng phục vụ hội nhập quốc tế.