Đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch
Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội, “có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 ngày10/4.
Thủ tướng nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.
“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng nói.
Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Quý I, chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, “chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”.
Cho nên, cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, với dân số đông gần 100 triệu người, có đường biên giới dài với Trung Quốc (quốc gia đầu tiên xuất hiện dịch bệnh COVID-19), Việt Nam là nước có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam kiên định nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Nguyên tắc này tưởng như đơn giản nhưng là kiến thức được đúc kết từ những lần chống dịch trước có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia và đặc biệt là được điều hành thống nhất, đồng bộ. Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta đã phân tích rất sâu điểm yếu, điểm mạnh của hệ thống y tế và nền kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Vì vậy, cần xác định đầu tiên phải ngăn không để nhiều người nhiễm bệnh, đã nhiễm thì ngăn không để nặng lên. Điểm mạnh là cơ cơ chế phòng chống thiên tai với nguyên tắc “4 tại chỗ” đã có sự vận hành rất tốt nhiều năm qua ở các địa phương.
Về công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Việt Nam đã chiến thắng từng trận đánh, nhưng cả cuộc chiến vẫn còn ở phía trước. Do đó, cần đồng lòng, có niềm tin, ủng hộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của ngành y tế.
Phó Thủ tướng chia sẻ, ngay trong điều trị, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc phác đồ điều trị chuẩn. Vì vậy, không thể thụ động, chờ đợi từ bên ngoài mà chủ động thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc, phác đồ điều trị dù chưa có cơ sở khoa học đầy đủ như lúc bình thường. Những loại thuốc hay phác đồ nào có thể có xác suất thành công thì đều được nghiên cứu, xem xét đưa vào.
Đã triển khai một loạt biện pháp chưa từng có
Ngày 10/4, thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như đại dịch COVID-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh, hàng chục nghìn người tử vong.
Đặc biệt, virus gây bệnh COVID-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gene. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vacine, thuốc đặc trị hiện chưa có lời giải…
Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực của giới khoa học thế giới, tiến trình này sẽ được rút ngắn thời gian thực hiện và sớm có kết quả so với các dịch bệnh trước đó (dịch SARS, MerCoV, H5N1...).
Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể là, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp giãn cách toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn một mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…
Về công tác chỉ đạo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chưa bao giờ trong công tác chống dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ như lần này, coi “chống dịch như chống giặc”. Các kịch bản ứng phó, các chỉ đạo từ cấp cao nhất liên tục được cập nhật theo diễn biến thực tế của dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng tham gia chống dịch…
Việt Nam là một trong rất ít nước huy động quân đội tham gia phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu. Việt Nam cũng áp dụng triệt để chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch - đây là chiến lược chúng ta kiên định thực hiện.
Với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tuỳ tình hình chiến thuật có thể thay đổi nhưng chiến lược không thay đổi để siết chặt phòng tuyến bảo vệ đất nước trước sự tấn công của đại dịch COVID-19. Trong công tác điều trị, Việt Nam cũng nối mạng từ tuyến đầu tới các bệnh viện để sẵn sàng chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn; phác đồ điều trị liên tục được cập nhật…
Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, Việt Nam là một trong ít nước sớm nuôi cấy, phân lập thành công virus SARS-CoV-2; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm xét nghiệm (test kit); chủ động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong một loạt khâu phòng, chống dịch bệnh (từ truy vết, theo dõi, giám sát, báo cáo, hỗ trợ điều trị…). Việt Nam cũng là một trong những nước sớm áp dụng tờ khai y tế điện tử… Tất cả những biện pháp đó góp phần vào thành công trong phòng chống dịch bệnh…
Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, chưa bao giờ các lực lượng truyền thông chung sức, đồng lòng, tham gia đồng bộ, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt như lần này (trên cả các báo chính thống, các nhà mạng, các mạng xã hội).
Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng chống, diễn biến tình hình dịch bệnh… đều nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.
Triển khai đồng bộ các biện pháp dập dịch tại thôn Hạ Lôi
Huyện Mê Linh đã triển khai quyết liệt, nhanh chóng, đồng bộ từ công tác y tế đến tuyên truyền, an ninh trật tự, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, một số bộ phận vẫn còn lúng túng khi triển khai thực hiện việc kiểm soát ra vào, giám sát y tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị, huyện Mê Linh triển khai tích cực, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cùng chính quyền chung tay chống dịch; tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, thắt chặt quản lý ở các chốt...
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, lãnh đạo huyện Mê Linh, chính quyền xã Mê Linh, thôn Hạ Lôi quyết liệt trong chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Chính quyền các cấp phải đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân; tiếp tục triển khai nghiêm vùng cách ly thôn Hạ Lôi; cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trường hợp F1 và đối tượng có biểu hiện nghi ngờ.
Bên cạnh đó, địa phương cần làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn; phát huy việc thực hiện khám chữa bệnh tại trạm y tế và nhà văn hóa; đảm bảo đủ vật tư, trang thiết bị y tế. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị huyện ra thành lập tổ giám sát sức khỏe toàn dân.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đề nghị, huyện Mê Linh cần có rà soát một cách quyết liệt; ra quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2; giám sát, theo dõi sức khỏe trường hợp F3. Toàn bộ hệ thống chính trị của xã Mê Linh cần vào cuộc quyết liệt và thành lập ngay các tổ giám sát.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu khẩn trương tiến hành xét nghiệm những mẫu đã lấy tại xóm Bàng và xóm Hội, tiếp tục mở rộng xét nghiệm với trường hợp có biểu hiện bệnh ở các xã trên địa bàn huyện.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo trên, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho biết, đặc điểm người dân thôn Hạ Lôi là đi buôn bán ở nhiều nơi trên cả nước. Thôn rộng, người dân đông nhưng cán bộ thôn, lực lượng y tế, Công an “mỏng”. Quan điểm của huyện là khoanh vùng để cắt đứt nguồn lây; không chỉ căn cứ yếu tố dịch tễ của các đối tượng mà còn phải rà soát mối quan hệ xã hội.
Lãnh đạo huyện khẳng định, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm cách ly thôn Hạ Lôi, đảm bảo an ninh trật và an sinh xã hội. Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng mong muốn, thành phố hỗ trợ kinh phí; tăng cường xét nghiệm đối với đối tượng F1 và trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở ở các xã trên địa bàn để huyện vượt qua giai đoạn này.
Xử phạt ông Lê Văn Thiệp 8 triệu đồng vì đăng tải thông tin xúc phạm nhà báo
Ngày 10/4, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông đã ký Quyết định số 42/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Thiệp, sinh năm 1973, nghề nghiệp Luật sư, vì hành vi cung cấp, truyền đưa, sử dụng thông tin tại tài khoản facebook Lê Văn Thiệp để xúc phạm uy tín, danh dự của một phóng viên.
Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Theo đó, hình thức xử phạt đối với ông Lê Văn Thiệp là 8 triệu đồng. Đồng thời, ông Lê Văn Thiệp phải khắc phục các sai phạm theo các quy định pháp luật tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018 ngày 1/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả từ ngày 10/4/2020.
Trước đó, sáng 10/4, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với ông Lê Văn Thiệp về nội dung nêu trên. Tại đây, ông Lê Văn Thiệp đã hợp tác, giải trình đầy đủ với cơ quan chức năng tham gia buổi họp; có thái độ cầu thị, thành khẩn nhận các sai phạm của mình. Đây được coi là tình tiết giảm nhẹ đối với việc xử phạt ông Lê Văn Thiệp.
Cũng trong ngày 10/4, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đang tiến hành làm rõ mức độ vi phạm về phát ngôn trên mạng xã hội trong thời gian gần đây của Luật sư Lê Văn Thiệp. Qua thẩm tra, xác minh của lãnh đạo Đoàn, Luật sư Lê Văn Thiệp đã thừa nhận việc đăng tải nội dung không phù hợp về một phóng viên và tài khoản Facebook tên Lê Văn Thiệp cũng chính là của luật sư này.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm: Lãnh đạo Đoàn Luật sư Hà Nội đã đề nghị Luật sư Lê Văn Thiệp cần cải chính, xin lỗi công khai để đảm bảo danh dự, uy tín của phóng viên, cũng như ổn định tình hình an ninh trật tự nói chung trong lúc dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp mà cả nước đang chung sức phòng, chống đại dịch này.
Đoàn Luật sư Hà Nội giao nhiệm vụ cho Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm kiêm Trưởng ban Bảo vệ Luật sư của Đoàn Luật sư Hà Nội tiến hành các trình tự, thủ tục theo đúng quy định để kiểm điểm mức độ vi phạm của Luật sư Lê Văn Thiệp để đưa ra hình thức xử lý thích hợp.