Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức diễn đàn pháp luật: Bộ luật Dân sự năm 2015 - Các giải pháp hoàn thiện pháp luật và triển khai thi hành.
Đối thoại thường niên về pháp luật
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, hơn 10 năm qua, từ sáng kiến của Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), cùng với sự tham gia tích cực của các đại sứ quán, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, diễn đàn pháp luật đã trở thành một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển, cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam.
Từ diễn đàn này, nhiều chương trình, dự án kế hoạch hợp tác pháp luật và tư pháp, kế hoạch triển khai thi hành pháp luật giữa các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức quốc tế đã được mở rộng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo Bộ Tư pháp, trong năm 2015, các cơ quan của Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai 53 chương trình hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật trên phạm vi cả nước. Các chương trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tại diễn đàn, Bộ Tư pháp chính thức giới thiệu Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được thành lập vào tháng 7-2016 với chức năng đối thoại, chia sẻ thông tin về chính sách pháp luật, tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và vận động, tìm kiếm và điều phối viện trợ trong lĩnh vực pháp luật tại Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, Bộ Tư pháp sẽ thường xuyên tổ chức các diễn đàn để khuyến khích đối thoại về cải cách pháp luật và tư pháp.
Đảm tính thống nhất về pháp luật khi điều chỉnh các quan hệ dân sự
Bộ luật Dân sự 2015 được xây dựng hướng đến mục tiêu thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo Hiến pháp năm 2013.
Sau khi được ban hành, Bộ luật là công cụ pháp lý cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự, hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự.
Đây cũng là công cụ để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Việc tổ chức triển khai thi hành Bộ luật Dân sự có ý nghĩa quan trọng, là nhiệm vụ khó khăn, thách thức đối với các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia quá trình triển khai nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật.
Tại diễn đàn, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan đã chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình triển khai thực hiện các giải pháp hoàn thiện pháp luật và tình hình triển khai thi hành Bộ luật Dân sự.
Sớm xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính
Tham luận của các đại biểu tập trung vào những sửa đổi, bổ sung lớn của Bộ luật Dân sự năm 2015 có tác động đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hơn các văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc áp dụng pháp luật dân sự nói chung trong thực tiễn. Nhiều đại biểu cho rằng, để bảo đảm thống nhất trong nhận thức, áp dụng pháp luật và bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quyền nhân thân, bên cạnh Bộ luật Dân sự, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cũng cần được sửa đổi cho phù hợp hoặc có hướng dẫn chi tiết đối với một số nội dung mới của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, đề nghị, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hộ tịch để bảo đảm quy định thống nhất về trình tự, thủ tục hộ tịch đối với quyền về họ, tên, dân tộc, quyền xác định lại giới tính. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng theo Điều 36: Quyền xác định lại giới tính, cần phải ban hành Luật về chuyển đổi giới tính để cụ thể hóa quyền này của người dân. Để xây dựng Luật này có 2 nội dung chính, thứ nhất là điều kiện để được chuyển đổi giới tính, thực thi các giải phẫu giới tính và thứ hai là bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật Việt Nam, vấn đề xác nhận giới tính được ghi nhận và dự án Luật chuyển đổi giới tính đã được giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, soạn thảo, dự kiến trình Quốc hội trước năm 2020.