Đảm bảo nguồn cung thuốc trên thị trường
Theo thống kê, toàn quốc hiện có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo thiếu các loại thuốc gồm kháng sinh, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết; 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất; 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương có tình trạng thiếu thiết bị y tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế. Bộ cần tiếp tục giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là với nhóm trẻ từ 5 - 12 tuổi.
Nói về vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, nguồn cung thuốc được đảm bảo khi 21.800 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với hơn 700 hoạt chất các loại. Từ đầu năm 2022, Bộ Y tế đã tập trung mọi nguồn lực cho việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc để đảm bảo nguồn cung. Đến nay, cơ quan chức năng đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc có hiệu lực đến hết năm 2022.
Căn cứ diễn biến tình hình và báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh, thông tin về nguồn cung thuốc trên thị trường, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm, thuốc khó khăn về nguồn cung. Nhờ đó, cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc, chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh. Bộ Y tế đã giúp các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc nhận diện được xu hướng biến động của thị trường dược phẩm để xây dựng kế hoạch cung ứng, đáp ứng nhu cầu điều trị của các bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đổi mới đăng ký lưu hành thuốc theo hướng cải cách tối đa thủ tục hành chính. Các đơn vị thẩm định được bổ sung gồm Trường Đại học Dược, Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế để tăng cường thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Bộ Y tế cũng sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước. Công nghệ thông tin sẽ được tăng cường để kết nối các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc nhằm theo dõi nguồn cung, từ đó điều tiết kịp thời.
Chuẩn bị nguồn lực tài chính cho việc tăng lương cơ sở
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về công tác chuẩn bị nguồn lực để tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay từ khi triển khai Nghị quyết 27/2018 về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành địa phương phải bố trí nguồn lực tài chính để sẵn sàng khi cấp có thẩm quyền quyết định chính sách cải cách tiền lương. Giải pháp nguồn lực tài chính là tăng thu ngân sách và tiết kiệm chi. Từ khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến hết năm 2021, theo số liệu từ các địa phương Bộ Tài chính đã tổng hợp, nguồn từ ngân sách địa phương đạt khoảng trên 290.000 tỷ đồng và ngân sách Trung ương là 43.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, theo phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở sẽ cần khoảng 60.000 tỷ đồng.
“Với nguồn lực hiện có, chúng ta hoàn toàn chủ động trong quyết sách tăng lương cơ sở khi cấp có thẩm quyền thông qua”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.