Hoạt động phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững ổn định chính trị
Các đại biểu đánh giá, báo cáo của các bộ, ngành được chuẩn bị rất nghiêm túc, có nhiều số liệu và nói lên được thực trạng của đất nước trong thời gian qua. Trong thời kỳ hội nhập, có nhiều tác động bên ngoài nhưng hệ thống luật pháp của Việt Nam đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc xây dựng đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua rất tốt, không để xảy ra oan sai, hoạt động phòng, chống tội phạm được tăng cường góp phần giữ vững ổn định chính trị
Đánh giá cao kết quả trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống tham nhũng Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, vai trò người đứng đầu trong các cơ quan chức năng thể hiện khá rõ nét, với quyết tâm cao trong hoạt động chống tiêu cực. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra, xét xử, thi hành hành án... rất chặt chẽ đã tạo nên sự đồng thuận để giải quyết hiệu quả những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri đánh giá cao việc công khai minh bạch các bản án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao. Những chi tiết cụ thể trong các bản án đều được người dân góp ý trực tiếp cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng xét xử. Cử tri tin tưởng vào trình độ, nghiệp vụ của các chiến sỹ công an trong thời gian qua. Nhiều vụ án hình sự lớn tưởng chừng như không có manh mối nhưng vẫn được phá thành công, tìm ra sự thật trong thời gian ngắn.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài
Bên cạnh những thành tích đạt được, các đại biểu cũng phân tích những mặt hạn chế còn tồn đọng trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án thời gian qua. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều đối tượng là người nước ngoài lợi dụng địa bàn để vi phạm pháp luật như chuyển giá, trốn nghĩa vụ nộp thuế. Bên cạnh đó, các hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng được phát hiện với quy mô ngày càng lớn, vô cùng nguy hiểm, các cơ quan chức năng cần xem xét, điều tra cụ thể để có biện pháp phát hiện cũng như ngăn chặn hiệu quả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội giám sát về vấn đề quy hoạch đô thị, phát hiện ra tình trạng người nước ngoài mượn danh người Việt Nam để mua, bán đất tại các vùng nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Ngay sau đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nhưng tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và có dấu hiệu tăng, cần xem xét tìm ra nguyên nhân trong quá trình thực hiện triển khai Nghị quyết. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị các tư lệnh các ngành cần có biện pháp xử lý hiệu quả hơn.
Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm gây bất an trong nhân dân nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Vừa qua, Quốc hội đã giám sát và ban hành nghị quyết về vấn đề này nhưng trong báo cáo đánh giá tình trạng trên có xu hướng gia tăng, do đó cần phải xem xét vì như vậy nghị quyết vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, ông Phan Thanh Bình cũng phân tích thực trạng ô nhiễm môi trường như cháy nhà, phá rừng, ô nhiễm lòng sông, hồ, ô nhiễm không khí... đang diễn ra tràn lan trên cả nước, nhưng vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra đánh giá tác động chi tiết và cụ thể.
Phân tích về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng ngày càng tăng, các đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng cần phải đưa ra chế tài đủ mạnh nhằm giải quyết triệt để tình trạng trên, tạo niềm tin trong nhân dân. Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn, tại sao khi xử các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan chức năng lại xem những yếu tố giảm nhẹ như thân nhân tốt, chưa vi phạm pháp luật... để làm căn cứ giảm án. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, những loại tội phạm này cần phải nghiêm khắc xử lý với mức án thật nghiêm để tạo tính răn đe.
Các đại biểu cũng quan tâm nhiều về vấn đề buôn bán ma túy có diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua. Tình trạng thanh niên bị hướng vào việc sử dụng ma túy ngày càng nhiều gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều ý kiến lo lắng nếu tình trạng này không được kiểm soát chặn chẽ sẽ khiến xã hội bất ổn. "Phải chăng hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đủ nghiêm minh thì cần nhìn lại một cách nghiêm túc", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị.
Ông Phan Thanh Bình cũng nêu ra một thực trạng gây nhiều bất bình trong dư luận, đó là có việc sai phạm trong hoạt động thi cử. Tình trạng này cũng chỉ dừng lại ở việc xử lý người có trách nhiệm làm sai (nhận tiền), chưa xử lý người đưa tiền, vì vậy cần phải có chế tài xử lý nghiêm chứ không thể nhắc nhở hay xử lý hành chính. "Đây là lĩnh vực thuộc về đạo đức và là nền xã hội nên không được phép sai", ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, quá trình phát triển của xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng cũng tạo điều kiện để tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao hoạt động. Đây là cuộc đấu tranh giữa tội phạm và các cơ quan tư pháp, vì vậy công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ để từ đó có hướng giải quyết hiệu quả. Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chất lượng hệ thống pháp luật trong việc điều chỉnh hành vi vẫn chưa đồng bộ cũng là nguyên nhân gây ra những vướng mắc trong quá trình xử lý.
Lý giải về tình trạng tội phạm ma túy đang phức tạp gây bức xúc trong xã hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, số lượng ma túy được phát hiện trong thời gian qua chỉ có một phần tiêu thụ trong nước, còn đa số vận chuyển đi các nước thứ ba.
Các ý kiến cho rằng, người dân đã chuyển biến tốt về lòng tin nhưng vẫn còn trăn trở về một số bộ phận nhỏ trong khối này liên quan đến tình trạng hách dịch, cửa quyền, tham nhũng... Theo các đại biểu, các tư lệnh ngành đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn nhưng chưa sát sao trong việc thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải có tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm từng loại hình để có chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm hơn...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Các cơ quan đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hội nhập, góp phần bảo vệ nhà nước, quyền công dân. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng tuy có giảm như một số loại hình lại tăng, nhất là tội phạm mạng, an ninh quốc gia, ma túy...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong năm nay, số lượng tin tố giác, tin báo tội phạm đã tăng lên rõ rệt là tín hiệu rất tốt trong việc nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, vẫn còn xảy ra tình trạng hoãn các vụ án hình sự, việc thu hồi tài sản trong các vụ án lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu là một trong những hạn chế mà các cơ quan chức năng cần có hướng khắc phục trong thời gian tới...