Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. |
Xin Bộ trưởng đánh giá khái quát những mặt đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua? Có thể nói, năm 2016 là năm khó khăn cho ngành Nông nghiệp. Từ đầu năm cho đến những ngày cuối năm, diễn biến thiên tai diễn ra rất khốc liệt ở tất cả 7 vùng kinh tế xã hội. Đầu năm là đợt rét lịch sử của 14 tỉnh miền núi phía Bắc, giữa năm là tình trạng hạn hán ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên và đợt mặn lịch sử của Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, từ tháng 10 - 12/2016 đã xảy ra 5 trận lũ liên tiếp ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tổng thiệt hại về thiên tai trong năm 2016 đã lên tới 39.000 tỷ đồng. Thiên tai khắc nghiệt cùng với sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung cho thấy năm 2016 là một năm khốc liệt, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá năm 2016 có được thuận lợi cơ bản là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành, đặc biệt là các địa phương, các thành phần kinh tế và sự cố gắng vượt bậc của bà con nông dân. Nhờ vậy, ngành Nông nghiệp đã đạt được một số kết quả, trước hết là sự phục hồi đà tăng trưởng. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2016 là âm 0,18%, thì tính đến cả năm đã đạt được một con số tăng trưởng là 1,36%.
Cùng với đó, năm nay chúng ta cũng đạt được một giá trị xuất khẩu vượt bậc, 32,1 tỷ USD. Đây là một kết quả rất khả quan, góp phần khắc phục những khó khăn do thiên tai gây ra đồng thời tạo đà phát triển cho năm tới.
Nguyên nhân có được kết quả bước đầu này, theo tôi, trước hết, đó là sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị. Thứ hai là do những thành quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đưa lại. Tất cả các ngành kinh tế mũi nhọn, từ chăn nuôi, trồng trọt, rau quả đã đem lại kết quả bằng việc hình thành vùng sản xuất tập trung, trong đó nòng cốt là các doanh nghiệp, các hợp tác xã cùng với sự sáng tạo của các hộ nông dân trên cả vùng kinh tế xã hội của chúng ta. Đây là những điểm góp phần tạo ra những kết quả bước đầu trong năm 2016.
Trong năm tới, mục tiêu Thủ tướng đặt ra cho ngành Nông nghiệp rất lớn, vậyà ngành sẽ phải triển khai như thế nào để đạt được? Ngành nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng thách thức trong năm 2017 là còn rất lớn, thậm chí có những mặt khắc nghiệt hơn năm 2016. Thứ nhất là cạnh tranh quyết liệt của thị trường nông sản thế giới. Các nước có xu hướng bảo hộ mậu dịch hơn, đặc biệt là những thị trường truyền thống nông sản của chúng ta như EU, Mỹ, một số nước khác. Đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nông nghiệp hướng xuất khẩu của nước ta.
Thứ hai, diễn biến của biến đổi khí hậu năm nay đã có những biểu hiện rất rõ là rất mới và tàn khốc hơn năm 2016. Ví dụ: 9 đợt gió mùa Đông Bắc trong năm nay đã có 6 đợt lệch Đông, đổ thẳng vào Nam Trung bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một hiện tượng dị thường của thời tiết, cũng chính là nguyên nhân gây ra 5 đợt lũ liên tiếp ở Nam Trung bộ. Thêm một hiện tượng lạ nữa là những ngày cuối năm, TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long đã có những ngày mưa phùn rét. Lượng mưa ở đồng bằng sông Cửu Long lớn hơn nhiều so với những năm trước. Đây là những biểu hiện bất thường của thời tiết kéo theo việc đảo lộn cơ cấu sản xuất truyền thống. Cùng với đó là những nút thắt nội tại của ngành nông nghiệp như: cơ chế, đất đai, quản lý chung chưa tháo gỡ được. Đây là những thách thức rất lớn của ngành Nông nghiệp.
Đối với mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành Nông nghiệp nói chung, cho khu vực quản lý Nhà nước nói riêng, tôi cho rằng cần phải có quyết tâm hơn và biện pháp đồng bộ hơn mới có thể đạt được mục tiêu đó. Trước hết là vấn đề quản lý ngành, phải rà soát từ Trung ương đến địa phương để làm sao có một sự đổi mới theo hướng quyết liệt, tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và thuận lợi thông thoáng hơn cho người dân.
Thứ hai, cần tập trung vào một trong những nội dung rất lớn của ngành, đó là tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó cần rà soát cụ thể 10 mặt hàng chính của quốc gia có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên. Theo đó, phải rà soát lại việc quy hoạch từ những nhóm giải pháp, thể chế, cơ chế, chính sách cho đến xác định những doanh nghiệp hạt nhân để từ đó xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy nhanh hơn ứng dụng khoa học công nghệ, làm sao để tập trung phát triển 10 mặt hàng có giá trị quốc gia lớn với mục tiêu không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn tạo ra điều kiện bền vững.