Khó khăn của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2016 bắt đầu với trận rét đậm, rét hại lịch sử 60 năm mới xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp theo đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hạn, mặn lịch sử (100 năm) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, ở chiều ngược lại, từ đầu tháng 10/2016 đến nay, liên tục 8 tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử.
Thiên tai đã gây ra thiệt hại rất lớn (kể cả người và tài sản), đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng đợt hạn, mặn trong những tháng đầu năm đã khiến 1 triệu người thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, 300.000 ha lúa bị thiệt hại năng suất từ 30-80% và cá biệt có những diện tích bị mất trắng. Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số người bị chết từ đầu năm đến nay do thiên tai là 253 người, tổng số tiền bị thiệt hại là 39.000 tỷ đồng, 700.000 ha lúa và hoa màu, 400.000 ha cây ăn quả, 1.410 tàu thuyền bị chìm và phá hủy.
Do chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai và sự cố môi trường biển, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm 0,18%. Hàng loạt các mặt hàng chủ lực, vốn là thế mạnh xuất khẩu như: lúa gạo, cà phê, cao su, sắn, tôm… đều sụt giảm cả về số lượng và giá trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thống Nhất-/TTXVN |
Đánh giá kết quả của ngành trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Con số tăng trưởng GDP Ngành đạt 1,2% sau một năm đầy thử thách như 2016 thể hiện sự cố gắng rất lớn của các địa phương, bà con nông dân, đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Năm qua, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015.
Với quyết tâm cao nhất, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt quyết tâm tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản 2,5-2,8%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành 3,0 - 3,2%. Kim ngạch xuất khẩu: 32,0 - 32,5 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng: 41,45%. Tỷ lệ xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới 28-30% trong năm 2017.
Đáng chú ý, để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Sản phẩm quốc gia (bước đầu lựa chọn 10 sản phẩm chủ lực, có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên); sản phẩm cấp tỉnh theo hướng mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm và trục sản phẩm đặc sản của địa phương như rau hoa, dược… Theo vị “tư lệnh” ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt, đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh và phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất.
Nông nghiệp nông thôn vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tếPhát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hiện có đông đảo người dân đang sinh sống bằng kinh tế nông nghiệp với 40% lao động ở nông thôn. Nhìn lại một năm hết sức vất vả của nông nghiệp nước nhà với thiên tai dồn dập, Thủ tướng đánh giá những yếu tố này đã làm mất gần 1,7 tỷ USD, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của đất nước. Nhưng với ý chí quyết tâm mạnh mẽ, giải pháp đúng hướng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm.
“Nông nghiệp nông thôn vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh đóng góp rất lớn cho an sinh xã hội của đất nước, đặc biệt trong cơ cấu lương thực, hội nhập quốc tế”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng cảm ơn những người nông dân, diêm dân, ngư dân đã lăn lộn một nắng hai sương cùng Đảng, Nhà nước khắc phục khó khăn, phát triển nông nghiệp trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đem lại nguồn lợi cho đất nước.
Thủ tướng ghi nhận những kết quả của ngành đã chỉ đạo, chủ động làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là năm nay, mô hình nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố; tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt kết quả với nhiều cách làm tốt như ở Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình…đời sống người nông dân được cải thiện một bước.
Chỉ rõ những bất cập của lĩnh vực kinh tế cơ bản này, Thủ tướng nêu rõ, hạn chế lớn nhất là vấn đề hạn điền, doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn yếu kém, khoa học công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Tình trạng an toàn thực phẩm còn bất cập và các yếu tố đầu vào cũng còn nhiều hạn chế từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu…Ngoài ra, Thủ tướng chưa hài lòng vì sự hạn chế trong ứng dụng thương mại điện tử vào buôn bán nông sản; sản xuất còn nhỏ, lẻ với kinh tế hộ là phổ biến; chủ trương sắp xếp nông, lâm trường còn chưa thực sự đạt yêu cầu; tình trạng lãng phí đất đai, phá rừng vẫn tiếp diễn đe dọa sự phát triển của đất nước. Đáng ngại là có tình trạng tại một số địa phương mặc dù có điều kiện nhưng vẫn chưa chú trọng xây dựng nông thôn mới trong khi đây là thực sự là một cuộc cách mạng đối với nông dân; hệ thống hồ chứa, thủy lợi xuống cấp, đe dọa cuộc sống người dân; hệ thống thanh tra trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt yêu cầu.
Bất cứ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nào làm được nông nghiệp công nghệ cao đều được hoan nghênh, nhưng không làm phong trào và đặc biệt không làm theo cơ chế xin cho. Gói tín dụng 50 – 60 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao tới đây sẽ triển khai tại nhiều ngân hàng để tạo cơ chế thông thoáng cho người có nhu cầu, Thủ tướng nêu rõ.