Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm; tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, mùa Lễ hội và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm.
Cùng đó, các bộ, ngành đã ban hành các chỉ thị, công điện, kế hoạch để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hoạt động tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh. Công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được thực hiện theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
6 tháng đầu năm, cả nước đã thành lập 23.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. Về xử lý vi phạm, trong số 811.15 cơ sở vi phạm, đã có 7.546 cơ sở bị xử lý, trong đó phạt tiền 12.958 cơ sở với số tiền hơn tỷ đồng.
Cùng với áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản của các địa phương cho thấy: Tỷ lệ cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm đã tăng từ 91% (2016) lên 96,7% (2017).
Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 36,8%, giảm so với năm 2016 (57%). Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu tăng từ 89,9% (2016) lên 95,6%, nhưng hầu hết các địa phương chưa thực hiện tái kiểm tra các cơ sở xếp loại C.
Lực lượng cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 3.163 vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với 433 tổ chức, 2.586 cá nhân; khởi tố 4 vụ, 3 bị can; ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 2.587 vụ với tổng số tiền phạt hơn 16 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác xử lý 245 vụ với 193 đối tượng; đang điều tra 136 vụ với 36 đối tượng.
Về tình hình ngộ độc thực phẩm, tính đến hết ngày 30/6, toàn quốc ghi
nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và
16 trường hợp tử vong.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác an toàn thực phẩm thời gian qua. Cụ thể, việc nghiên cứu, thực thi hệ thống pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu.
Tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản, nhuộm màu trong sơ chế, chế biến sau thu hoạch nông sản, việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm ngày càng phức tạp, việc xử lý dứt điểm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Việc chấp hành các quy định về quảng cáo thực phẩm đã có sự chuyển biến tích cực so với trước, tuy nhiên việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Youtube...) gặp khó khăn.
Ngộ độc thực phẩm do rượu diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao. Ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, mặc dù đã giảm so với năm trước nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe; ban hành các Thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã đề ra.
Đồng thời, các bộ, ngành tham mưu xây dựng chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.
Phó Thủ tướng lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai các cuộc giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm, vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là ở các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn; củng cố, tăng cường năng lực cho các Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của địa phương; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng; theo dõi, xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, tránh để người dân thiếu thông tin, dẫn đến hiểu lầm, hoang mang...