Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Xây dựng hình ảnh và uy tín của kế toán viên, kiểm toán viên

Sáng 12/10, tiếp và làm việc với 50 đại biểu đại diện Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, đang tham dự Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp chung tay phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam 2022”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đến đạo đức hành nghề của kiểm toán viên, kế toán viên.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng, sau gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đã phát triển không ngừng, là tổ chức xã hội nghề nghiệp của người làm công tác kế toán và kiểm toán.

Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp hiệu quả của ngành kế toán và kiểm toán vào thành công chung của nền kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, giúp cho nền tài chính kinh tế của quốc gia ngày càng minh bạch và vững bền. Trong tất cả các hoạt động, các tổ chức có liên quan tới dòng chảy kinh tế, phát sinh về kinh tế phải có công tác kế toán. Kế toán là một nghề chuyên môn sâu, thông tin kế toán chưa được tin cậy một cách hoàn toàn, do đó phải hình thành tổ chức kiểm tra, kiểm toán. Sau khi được hình thành, ngành kiểm toán đã phát triển mạnh mẽ, song hành cùng với kế toán, tiếp cận những thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam, hoạt động rất hiệu quả, đầy đủ, toàn diện, giúp cho nhà đầu tư, xã hội, nhà quản lý, lãnh đạo nhìn nhận, đánh giá những thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan để quyết định đầu tư, quyết định quản lý đúng đắn, hiệu quả và hiệu lực.

Hiệp hội Kiểm toán, kế toán Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác kế toán và kiểm toán đã thực hiện đầy đủ chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan và hoạt động hội nhập quốc tế rất sâu rộng, rất sớm, rất mạnh mẽ. 

Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục phát huy những thành tích, ưu điểm, tôn chỉ, mục đích của nghề kế toán, kiểm toán theo quy định pháp luật để làm tốt hơn nữa, góp phần xây dựng hình ảnh và uy tín của kế toán viên, kiểm toán viên, nâng cao uy tín của Hiệp hội không chỉ trong nước, mà được các tổ chức quốc tế thừa nhận.

Nêu một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó có vấn đề đạo đức hành nghề của kiểm toán viên, kế toán viên và chất lượng của báo cáo kiểm toán, báo cáo kế toán, Phó Thủ tướng chỉ rõ, kế toán phản ánh, tổng hợp thông tin về kinh tế phát sinh tại một thời điểm. Nếu phản ánh không đúng sẽ dẫn đến sai lệch, “người khỏe, mình không thích, muốn giấu diếm thì thể hiện trong đó là hình ảnh của một người ốm yếu, cho thuốc thì lại chết. Còn người ốm báo cáo khỏe thì vài hôm cũng chết, không có thang thuốc nào, giải pháp nào xử lý kịp thời”.

Theo Phó Thủ tướng, có hai vấn đề, một là năng lực, hai là đạo đức. Không biết làm thì phải đào tạo, bồi dưỡng, còn biết mà vẫn làm sai là thuộc về đạo đức nghề nghiệp. Đa số kế toán, kiểm toán viên là tốt, nhưng đâu đó vẫn có những người chưa tốt nên đã để xảy ra một số việc trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực tư vấn này. Nếu không khắc phục triệt để, để xảy ra vi phạm thì uy tín cá nhân, uy tín của Hiệp hội bị ảnh hưởng và dần dần mất đi hình ảnh, không được tin tưởng và không hoạt động được.

Hiệp hội cần tiếp tục tập hợp lực lượng đông đảo hơn nữa, đảm bảo rà soát chặt chẽ tôn chỉ, mục đích và tiêu chuẩn, để các hoạt động kinh tế, tài chính được thực hiện với lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, am hiểu và chấp hành quy định của pháp luật, giữ uy tín cho Hiệp hội.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, thành viên Hiệp hội có nhiều người đã từng giữ những vị trí lãnh đạo các ngành, lĩnh vực cao trong nhà nước, có nhiều kinh nghiệm, nhiều đóng góp, cần tiếp tục đóng góp trong xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển kế toán và kiểm toán đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2022. Trong đó, quan tâm đến các nội dung như quy trình chuẩn mực kế toán, kiểm toán, chuyển đổi số bằng dữ liệu quốc gia, ban hành một số luật về kế toán, kiểm toán độc lập, phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán, các hội nghề nghiệp... Hiệp hội với tư cách là những người làm kế toán có năng lực, có đạo đức, có trách nhiệm, cần tham gia vào hoạt động ý nghĩa này.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Hiệp hội hiện có hơn 10 nghìn hội viên. Hội viên Hiệp hội và các doanh nghiệp dịch vụ kế toán đã hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Kế toán và kiểm toán đã nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị của thông tin kinh tế-tài chính phục vụ các quyết định quản lý kinh tế, quản lý kinh doanh, quyết định đầu tư, quyết định quản lý nền tài chính quốc gia. Hiệp hội chủ động thực hiện các hoạt động tư vấn khoa học, phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, các dự án luật, chính sách kinh tế tài chính, trực tiếp và trước hết là chính sách tài chính, kế toán, kiểm toán, chính sách thuế; luôn chăm lo bồi dưỡng và kiểm soát năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của hội viên.

Hiệp hội là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN (AFA) và đang giữ cương vị Phó Chủ tịch AFA nhiệm kỳ 2022-2023, sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 2024-2025.

Chủ tịch Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, tạo môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân. Sớm tạo dựng các khung khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhà nước sớm xây dựng và ban hành Luật Về hội để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Sớm triển khai hoàn thiện các quy định pháp lý về kế toán và kiểm toán theo lộ trình trong Chiến lược phát triển kế toán và kiểm toán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

“Kế toán và kiểm toán phải là công cụ sắc bén hữu hiệu tham gia phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và phòng, chống lãng phí. Kế toán, kiểm toán góp phần quan trọng lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Đã có quy định pháp lý Kiểm toán nhà nước tham gia phòng, chống tham nhũng và lãng phí, nhưng cần sớm có những quy định mang tính pháp lý cho kế toán, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ”, ông Đặng Văn Thanh nói.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất liên quan đến việc liên kết doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng, chung tay phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam; việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp; các cơ chế, chính sách tín dụng để doanh nghiệp phát triển tốt hơn; nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, hoàn thiện pháp luật về kế toán, kiểm toán…

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Công tác kiểm toán cần có trọng tâm, trọng điểm
Công tác kiểm toán cần có trọng tâm, trọng điểm

Chiều 12/9, tiếp tục Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN